Ngành Tư pháp Tiền Giang "Hướng về cơ sở và thân thiện với nhân dân"
Từ nhiều năm nay, ngành Tư pháp Tiền Giang đã phát động và triển khai thực hiện nhiều phong trào thi đua mang ý nghĩa quan trọng theo phương châm “Hướng về cơ sở và thân thiện với nhân dân”, với nhiều nội dung, tiêu chí cụ thể như: Trong tiếp xúc với công dân, tổ chức phải lịch sự, vui vẻ, chân tình, lắng nghe; trong việc hướng dẫn hồ sơ của công dân, tổ chức phải linh hoạt, đúng quy định; trong việc giải quyết hồ sơ của công dân, tổ chức phải đúng pháp luật, đúng thời gian, đúng đối tượng, đúng phong cách; trong việc trả kết quả cho công dân, tổ chức phải đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Căn cứ những tiêu chí trên, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ được giao đã cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện của đơn vị mình; có hình thức công khai tại nơi làm việc để nhân dân giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài việc thực hiện phương châm “Thân thiện với nhân dân” trong các khâu từ tiếp xúc với công dân đến hướng dẫn hồ sơ, giải quyết hồ sơ, trả kết quả, Sở Tư pháp còn thực hiện phương châm thân thiện với đồng nghiệp và các cơ quan, ban, ngành khác trong thực thi nhiệm vụ, công vụ được giao.
Trong những năm qua, ngành Tư pháp được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao thêm nhiều nhiệm vụ mới như tham mưu UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về bồi thường Nhà nước, kiểm soát thủ tục hành chính các tổ chức hành nghề công chứng, bán đấu giá, giám định tư pháp, công tác pháp chế, quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, thí điểm thực hiện chế định Thừa phát lại…
Như vậy, các công tác tư pháp không chỉ giới hạn trong ngành Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, tổ hòa giải như trước đây, mà còn có sự phối hợp giữa các ngành (như công tác giám định tư pháp do ngành Tư pháp quản lý liên quan đến giám định viên thuộc các ngành Tài chính, Công an, Y tế…); tổ chức pháp chế tại các sở, ban, ngành, đó là những “cơ sở” của ngành Tư pháp theo nghĩa rộng.
Để ngành tư pháp vững mạnh thì những cơ sở trên phải vững mạnh. Với nhận thức đó, trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2013, ngành đã tập trung “hướng về cơ sở” đã bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cơ sở; chủ động tìm hiểu, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trên tinh thần đó, trong năm 2013, Sở Tư pháp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, tọa đàm… cho các đối tượng từ lãnh đạo và chuyên viên các Phòng Tư pháp; chủ tịch, phó chủ tịch UBND và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; cán bộ làm công tác pháp chế tại các sở, ban, ngành và các tổ hòa giải cơ sở. Công tác sơ kết, tổng kết được duy trì thường xuyên, mọi vướng mắc ở cơ sở được kịp thời giải quyết.
Trong năm 2013, Sở cũng đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở để củng cố, nâng chất lượng hoạt động nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014).
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã biên soạn và phát miễn phí tài liệu sinh hoạt “Ngày pháp luật” hàng tháng đến tận tổ nhân dân tự quản, với số lượng 16.000 bản/tháng; biên soạn và phát miễn phí gần 1.100 cuốn “Sổ tay công tác hòa giải”…
Ngành Tư pháp còn phát động phong trào thi đua “Chung tay xây dựng nông thôn mới”. Ban Chỉ đạo “Chung tay xây dựng nông thôn mới” ngành Tư pháp được thành lập và đã đề ra kế hoạch, xác định những nhiệm vụ cụ thể để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.
Ngoài việc nâng chất các nhiệm vụ đặc thù của ngành như: văn bản, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, trợ giúp pháp lý..., Sở Tư pháp còn tăng cường hỗ trợ đối với các xã thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới qua việc tổ chức 3 đợt tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ cơ sở (bí thư chi bộ ấp và trưởng ấp) của các xã điểm xây dựng nông thôn mới.
Chi đoàn Sở Tư pháp tổ chức giao lưu, kết nghĩa với Đoàn Thanh niên các xã điểm xây dựng nông thôn mới để phối hợp, hỗ trợ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý… cho người dân các xã này.
Trong năm 2014, ngành Tư pháp Tiền Giang tập trung tuyên truyền, quán triệt và phổ biến sâu rộng trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân Hiến pháp năm 2013 và Luật Đất đai (sửa đổi); thực hiện có hiệu quả Đề án cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị;
Tập trung triển khai thực hiện đúng chủ trương, kế hoạch về thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại địa phương, đảm bảo việc thực hiện thí điểm thành công; phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị 06-CT/TU ngày 1-11-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp; thực hiện và hoàn thành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh năm 2014 đảm bảo tiến độ, chất lượng;
Tăng cường thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, từ khâu dự thảo đến việc thực thi, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các lực lượng xã hội khác tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh việc đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp theo hướng xã hội hóa;
Triển khai thực hiện đạt hiệu quả Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020; bố trí đầy đủ các chức danh tư pháp, nhất là chức danh Tư pháp - Hộ tịch chuyên trách; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực quản lý quan trọng của ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
NGUYỄN THÀNH TẤN