Phát triển du lịch sinh thái góp phần nâng cao đời sống cộng đồng
Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, Tiền Giang có nhiều lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và tài nguyên nhân văn trong phát triển du lịch. Nét đặc trưng và là điểm nhấn của du lịch Tiền Giang là phát triển theo hướng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.
Năm 2013, tỉnh đã đón 1.307.600 lượt khách, trong đó có 567.700 lượt khách quốc tế. Bên cạnh việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên và lịch sử - văn hóa đã được đưa vào phục vụ khách du lịch, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch biển Tân Thành, khu du lịch cù lao Thới Sơn, khu du lịch Cái Bè…; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế đến Tiền Giang. Ngoài ra, phát triển du lịch sinh thái Tiền Giang thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận nhân dân ở địa phương.
Phát triển điểm du lịch nhà vườn: Dựa vào lợi thế về điều kiện tự nhiên, trong các năm qua các doanh nghiệp du lịch Tiền Giang đã liên kết với các hộ dân để phát triển các điểm du lịch nhà vườn trên cù lao Thới Sơn, TP. Mỹ Tho (điểm du lịch Thới Sơn 1, 3, 4 và Thới Sơn 5); điểm du lịch huyện Cái Bè, Cai Lậy và khu vực biển Gò Công. Các điểm du lịch nhà vườn thu hút hàng ngày trên 500 lao động phục vụ, tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình.
Tham quan du lịch sông nước: Để đáp ứng nhu cầu tham quan sông nước, miệt vườn của du khách, bình quân mỗi ngày có 1.500 lượt khách. Các doanh nghiệp du lịch đã liên kết các hộ dân sử dụng 643 phương tiện vận chuyển du lịch đường thủy, trong đó có 330 chiếc đò máy, 307 chiếc thuyền chèo và 6 canô để phục vụ.
Với dịch vụ tham quan sông nước, đã giải quyết việc làm cho gần 1.300 lao động, chủ yếu là nguồn lao động ở cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), trong đó có hơn 70% là lao động nữ đã tận dụng thời gian nhàn rỗi sau công việc chính là làm vườn để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Bảo tồn văn hóa truyền thống: Loại hình đờn ca tài tử đã gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của cư dân vùng sông nước được tổ chức UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Dịch vụ này đã được đưa vào khai thác phục vụ du lịch từ những năm 1990 tại cù lao Thới Sơn. Du khách được tham quan vườn cây, thưởng thức các loại trái cây, các món ăn đặc sản của miền quê và nghe đờn ca tài tử là dịch vụ không thể thiếu của tour du lịch sông nước miệt vườn.
Hiện tại, có 12 đội đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch tại 2 khu du lịch Thới Sơn và huyện Cái Bè, thu hút hơn 100 nghệ nhân đờn - ca phục vụ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Hoạt động du lịch cũng đã tạo điều kiện khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống như làm cốm, kẹo, bánh tráng, bánh phồng, mật ong… ở TP. Mỹ Tho và huyện Cái Bè. Các làng nghề nơi đây đã tham gia giới thiệu và bán các sản phẩm nghề truyền thống cho khách du lịch trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho 150 lao động nhàn rỗi.
Bên cạnh các dịch vụ chính nêu trên, việc phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng đã tạo điều kiện cho các dịch vụ khác phát triển như: dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, trái cây đặc sản địa phương…
Việc phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng ở Tiền Giang trong những năm qua đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, giúp cộng đồng tận dụng được thời gian nông nhàn tham gia vào các hoạt động du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Điều đặc biệt quan trọng chính từ lợi ích thiết thực mang lại đã tạo điều kiện nâng cao nhận thức cộng đồng về giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, cuộc sống cộng đồng ngày càng có điều kiện phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp cho nhiều gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần thiết thực trong việc xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
TẤN PHONG