Ông Nguyễn Hoàng - ngày ấy ở Liên hiệp Công đoàn Tiền Giang
Ông Nguyễn Hoàng (nguyên Phó Thư ký Liên hiệp Công đoàn (LHCĐ) tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 1983 - 1985, nay là Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang) tham gia cách mạng từ năm 1947, nguyên là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, từng trải qua nhiều chức vụ, nhiều đơn vị.
Trước khi về công tác tại LHCĐ tỉnh, ông là Phó Chủ nhiệm Công ty Dược phẩm tỉnh Tiền Giang. Trong những năm đầu xây dựng tổ chức LHCĐ, ông là một trong những người có nhiều đóng góp tích cực. Nay bước qua tuổi 75, giọng ông vẫn còn khỏe, trầm ấm:
Tôi không có ý định viết hồi ký về cuộc đời mình, nhưng những kỷ niệm một thời công tác tại LHCĐ cứ thôi thúc trong lòng rằng, tôi phải ghi lại một chút dấu ấn cuộc đời để lớp trẻ hiểu chuyện của lớp cha, chú buổi đầu dựng xây sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thống nhất đất nước.
Ngày ấy, khi tôi về công tác tại LHCĐ, chế độ, chính sách chưa được như bây giờ, cơ sở vật chất thiếu thốn, công việc thì ngập đầu, còn khó khăn thì chồng chất. Lúc đó tôi chưa được đào tạo về nghiệp vụ chuyên ngành, để hoàn thành nhiệm vụ tôi đã phải làm việc với tinh thần của một đảng viên, người chiến sĩ cách mạng, bằng kinh nghiệm thực tiễn và bằng cả khối óc, con tim mình.
Năm 1980, LHCĐ tỉnh Tiền Giang tiến hành Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 1980 - 1982, tôi được bầu vào Ban Thường vụ, làm Trưởng ban Bảo hiểm xã hội. Trong nhiệm kỳ này, công đoàn cơ sở (CĐCS) vừa mới hình thành, đa số cán bộ CĐCS kiêm nhiệm nên mọi hoạt động Công đoàn còn mang tính hình thức. Các cơ quan, đơn vị hành chánh sự nghiệp cũng vậy, thành lập tổ chức Công đoàn cho có vậy thôi, cán bộ công đoàn đều kiêm nhiệm. Vì vậy, hoạt động của LHCĐ gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, do đang tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh nên nền kinh tế chưa phát triển, ngành nghề chưa được mở ra nhiều, lực lượng CNVC-NLĐ chưa phát triển. Khó khăn càng chồng chất khi năm 1978 - 1979 trên địa bàn tỉnh xảy ra nạn dịch rầy nâu và tiếp theo là lũ lớn tràn về, làm cho hàng ngàn hecta lúa, hoa màu của nhân dân thất trắng, nghèo đói lan ra trên diện rộng, cán bộ, công nhân viên chức phải ăn cơm độn cao lương (bo bo).
Trong hoàn cảnh đó, toàn tỉnh vừa ra sức khắc phục hậu quả bão lụt, vừa đẩy mạnh sản xuất, ổn định tình hình. Nhiệm vụ chủ yếu lúc này của LHCĐ là tập trung xây dựng cơ sở, củng cố tổ chức và phát triển lực lượng CĐV, song song với việc kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-NLĐ.
Lúc này, ngành Bảo hiểm xã hội chưa được thành lập nên việc thu bảo hiểm xã hội (BHXH) do LHCĐ đảm nhiệm. Thú thực, công tác này thời gian đầu làm chưa được tốt, thu không được, thu không đủ bù chi. Quen rồi một thời bao cấp, mọi thứ đều phân phối theo chế độ, chính sách, ai cũng muốn được nhận chứ chưa có ý thức về việc đóng góp BHXH. Vả lại, cuộc sống của cán bộ, CNVC-NLĐ lúc bấy giờ còn quá khó khăn.
Những năm đầu sau giải phóng, thời bao cấp, nhận thức về công tác BHXH trong cán bộ, CNVC-NLĐ, thậm chí kể cả một số ít cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành vẫn còn hạn chế. Bởi vì, lợi ích thiết thực từ việc đóng BHXH lúc bấy giờ chưa trực tiếp hỗ trợ cuộc sống hiện đang còn khó khăn của CNVC-NLĐ. Vì vậy, việc đóng BHXH chưa được các đơn vị, CNVC-NLĐ thực sự quan tâm.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho công tác thu BHXH rất hạn hẹp nên càng gặp nhiều khó khăn. Tôi còn nhớ, trong các cuộc họp, anh Năm Kha (làm Thư ký LHCĐ tỉnh) thường lo lắng hỏi về số liệu thu BHXH được bao nhiêu? Đơn vị nào còn thiếu, thiếu bao nhiêu? Đơn vị nào chưa đóng, lúc nào đóng?...
Nguồn thu BHXH lúc bấy giờ chủ yếu để chi cho các công trình phúc lợi công cộng phục vụ người lao động; tổ chức cho CNVC-NLĐ đi an dưỡng, nghỉ mát, tham quan du lịch hàng năm. Với trách nhiệm là Trưởng ban BHXH, tôi đã cùng với các cán bộ trong LHCĐ tỉnh vượt qua bao khó khăn, thử thách để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho CNVC-NLĐ.
Tại Đại hội LHCĐ tỉnh lần thứ III, nhiệm kỳ 1983 - 1985, tôi tiếp tục được bầu vào Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Thư ký LHCĐ kiêm Trưởng ban BHXH. Nhiệm kỳ này, chị Năm Cúc được bầu làm Thư ký. Trong Ban Chấp hành có chị Năm Hà làm Phó ban Bảo hiểm xã hội, anh Ba Thanh làm Trưởng ban Tuyên giáo, anh Ba Lộc làm Trưởng ban Tổ chức, anh Năm Sang phụ trách Nhà văn hóa, anh Bảy Vẹn làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, chị Phan Thị Xuân làm Chánh Văn phòng, chị Mười Hiển làm Trưởng ban Đời sống, chị Năm Hợi làm Trưởng ban Nữ công.
Tổ chức LHCĐ tỉnh được kiện toàn, các phòng, ban được bố trí sắp xếp lại nên hoạt động có bước phát triển đáng kể. Nổi bật nhất là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, chế độ, chính sách đối với CNVC-NLĐ được quan tâm nên nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công đoàn viên đối với hoạt động của công đoàn ngày càng được nâng lên rõ rệt. Hàng năm, qua công tác bình chọn, CNVC-NLĐ được bố trí, sắp xếp thay nhau đi an dưỡng, nghỉ mát, tham quan du lịch nên đã tạo được khí thế thi đua lao động sản xuất sôi nổi.
Riêng về hoạt động của công đoàn các huyện, thị, thành tuy được củng cố nâng chất, nhưng trên thực tế vẫn còn mang tính hình thức, bởi cán bộ công đoàn vẫn còn kiêm chức, kinh phí hoạt động hạn hẹp. Lúc bấy giờ, lực lượng CĐV chủ yếu được phát triển từ các cơ quan, đơn vị sự nghiệp hành chính, các sở, ban, ngành; còn các doanh nghiệp hợp doanh, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thì chưa thành lập được CĐCS. Thế nhưng, để đẩy mạnh hoạt động của công đoàn về mọi mặt, cả bề rộng lẫn chiều sâu, LHCĐ tỉnh đã đề ra nhiều kế hoạch, phong trào thi đua thiết thực nhằm đảm bảo quyền lợi cho CĐV và phát triển lực lượng đoàn viên công đoàn.
Nổi bật là kế hoạch tổ chức liên kết các hoạt động phục vụ nông nghiệp, LHCĐ tỉnh chọn huyện Châu Thành làm điểm gắn kết hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống; thành lập các tổ tín dụng, vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh; đề xuất với các cấp lãnh đạo và cơ quan chức năng có kế hoạch mở mang cầu đường, phát triển giao thông; mở các lớp xóa mù chữ, phổ cập tiểu học; vận động và tổ chức nhiều đoàn y - bác sĩ về vùng sâu, vùng xa khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách; phát động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.
Song song đó, hàng tháng LHCĐ xuống các cơ sở nói chuyện tình hình thời sự quốc tế, thời sự trong nước, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông báo các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của CNVC-NLĐ; đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua như: Phong trào thi đua xây dựng tổ lao động sản xuất giỏi, tổ lao động XHCN… Qua đó vận động các cơ quan, đơn vị chưa có tổ chức công đoàn xúc tiến thành lập tổ chức công đoàn và phát triển CĐV nhằm chăm lo đời sống cho CNVC-NLĐ.
Ngày ấy tôi đã sống hết mình vì nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần cùng LHCĐ tỉnh chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-NLĐ, tạo động lực thúc đẩy quá trình xây dựng, củng cố các cấp công đoàn ngày càng lớn mạnh, tập hợp được đội ngũ CĐV ngày càng đông đảo, góp phần cùng Đảng bộ và chính quyền đẩy mạnh quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng vững mạnh.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG (ghi)