Thứ Tư, 26/03/2014, 12:34 (GMT+7)
.
TÁC PHẨM DỰ THI GIẢI BÁO CHÍ NGUYỄN ĐỨC CẢNH LẦN VI-2014:

Chị Phan Thị Xuân - một thời mãi nhớ

Đến thăm chị Phan Thị Xuân vào một ngày đầu Xuân Giáp Ngọ 2014. Căn nhà của chị nằm trong khu chung cư thuộc khu phố 2, phường Bình An, quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Đó là một căn nhà lầu rộng, bày trí ngăn nắp, gọn gàng, phần nào chứng tỏ chủ nhân là một người năng động.

Nghe chúng tôi khen, chị nở nụ cười tươi và cất giọng “trọ trẹ” của người con quê hương Hà Tĩnh: Năng động gì nổi nữa mấy chú ơi! Ước gì được sống lại cái thời  thanh xuân cách nay mấy chục năm về trước, khi tôi mới vào miền Nam công tác tại Liên hiệp Công đoàn (LHCĐ) tỉnh Tiền Giang năm 1977.

Nhìn chị, khó có thể tin chị đã bước qua tuổi 70, bởi mái tóc chỉ ít sợi bạc, hàm răng trắng đều còn chắc, giọng nói còn để lại dư âm và chân tay còn cứng cỏi, nhanh nhẹn. Không ngờ người cán bộ LHCĐ ngày ấy đã nghỉ hưu mà vẫn còn tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Hiện chị - một đảng viên nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng vẫn đang làm bí thư chi bộ khu phố.

Nhắc lại những ngày công tác tại LHCĐ Tiền Giang, giọng chị bồi hồi: Những ngày ấy công việc bộn bề, khó khăn chồng chất trong khi cán bộ LHCĐ vừa thiếu, trình độ năng lực vừa yếu và hầu hết chưa được đào tạo chuyên môn lại phải kiêm nhiều việc. Vậy mà, công việc vẫn cứ “chạy” đều, nhiệm vụ luôn hoàn thành.

Đó là nhờ sự đồng tâm hiệp lực và nỗ lực vươn lên của từng cá nhân. Hồi đó, đơn vị nào cũng thiếu cán bộ, nhất là cán bộ chuyên ngành. Đất nước vừa mới giải phóng, hầu hết cơ quan, đơn vị đều được tăng cường cán bộ từ Miền, Khu, cán bộ tập kết về. Mặc dù lực lượng cán bộ tăng cường đều từng trải, có bề dày thành tích trong kháng chiến, có kinh nghiệm trong công tác tổ chức, lãnh đạo, vận động quần chúng, nhưng lại thiếu trình độ chuyên môn.

Người mới, việc mới nên bắt tay vào công việc không thể tránh khỏi những sai sót, lúng túng và bị động. Lúc tôi vào công tác là lúc LHCĐ tỉnh Tiền Giang tiến hành Đại hội nhiệm kỳ lần thứ Nhất (giai đoạn 1977 - 1980). Tôi được bầu làm Ủy viên phụ trách công tác Quản trị hành chánh. Trong Ban Chấp hành nhiệm kỳ đầu tiên, tôi có ít nhiều kiến thức, kinh nghiệm và nghiệp vụ chuyên môn, bởi trước đó tôi từng công tác tại LHCĐ tỉnh Hà Tĩnh.

Kể về một thời gắn bó với LHCĐ Tiền Giang, giọng chị Xuân càng lúc càng sôi nổi: Vừa mới hình thành nên hoạt động của LHCĐ Tiền Giang gặp không ít khó khăn. Nhân sự vừa mới được tổ chức sắp xếp ổn định, nhưng các công đoàn cơ sở (CĐCS) còn yếu, bởi hầu hết cán bộ công đoàn đều kiêm chức và lực lượng đoàn viên công đoàn chưa phát triển nhiều, do nhận thức về tổ chức Công đoàn lúc bấy giờ của công đoàn viên (CĐV) chưa cao.

Mặt khác, quyền lợi của công nhân, viên chức, người lao động (CNVC-NLĐ) lúc đó vẫn chưa được đảm bảo đầy đủ. Ngành Bảo hiểm lúc bấy giờ chưa được thành lập, nên công tác thu bảo hiểm xã hội được giao cho LHCĐ. Do nhận thức của CĐV và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị còn nhiều mặt hạn chế nên tiền bảo hiểm rất khó thu, thu không đủ. Mặc dù thu không đủ chi, nhưng vào thời điểm lúc đó đã tổ chức cho CĐV được thay nhau đi an dưỡng, nghỉ mát là sự cố gắng rất lớn của LHCĐ.

Tôi vẫn không thể nào quên được một thời bao cấp, nhất là những năm đầu sau giải phóng cả nước đang dồn toàn bộ sức người, sức của khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân, vì vậy khó khăn, thiếu thốn là điều không thể tránh khỏi.

Cán bộ, công nhân viên chức (CB-CNVC) thời đó còn hưởng chế độ phân phối theo hình thức tem phiếu, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên CB-CNVC trong LHCĐ tỉnh phải phân công nhau đi làm lúa ở Gò Công, kết nghĩa với huyện Gò Công Tây trồng dưa hấu, vào Nông trường Tân Lập trồng bạch đàn, liên kết với lò bánh mì tư nhân để sản xuất, kinh doanh nhằm hỗ trợ CB-CNVC ổn định cuộc sống, an tâm công tác.

Sau 2 nhiệm kỳ do anh Năm Kha làm Thư ký, hoạt động của LHCĐ từng bước ổn định và nền nếp. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, phát động phong trào thi đua, ý thức trách nhiệm và nhận thức của CĐV về tổ chức Công đoàn ngày càng được nâng lên. Nhiều CĐCS từng bước được hình thành, củng cố và nâng chất.

Từ đó, công tác phát triển lực lượng CĐV có bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được, giữa năm 1983, Đại hội LHCĐ lần thứ III, nhiệm kỳ 1983 - 1985 được tổ chức. Tôi được bầu vào Ban Thường vụ, làm Chánh Văn phòng, kiêm nhiệm phụ trách khối Nữ công.

Tổ chức được kiện toàn, các phòng, ban được bố trí sắp xếp lại nên hoạt động Công đoàn có bước phát triển đáng kể. Nổi bật nhất là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, chế độ, chính sách đối với CNVC-NLĐ được quan tâm nên nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của CĐV đối với hoạt động của Công đoàn ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hàng tháng LHCĐ đều phân công cán bộ xuống cơ sở nói chuyện tình hình thời sự quốc tế, thời sự trong nước, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đồng thời thông báo các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của CNVC-NLĐ và phát động nhiều phong trào thi đua như: Phong trào xây dựng tổ lao động sản xuất giỏi, tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Riêng đối với khối Nữ công, LHCĐ còn tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào: Nuôi con khỏe - dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc, 3 đảm đang…

Song song đó, LHCĐ tỉnh còn chọn huyện Châu Thành làm điểm gắn kết hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật; hỗ trợ cây và con giống; thành lập các tổ tín dụng, tổ vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh; vận động và tổ chức nhiều đoàn y - bác sĩ về vùng sâu, vùng xa khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách và người nghèo; phát động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; mở các lớp bổ túc văn hóa, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học…

LHCĐ tỉnh còn tổ chức nhiều đêm biểu diễn văn nghệ tại Nhà văn hóa công nhân; mua đầu Video tổ chức chiếu phim lưu động để phục vụ nhu cầu giải trí của CNVC-NLĐ…

Trải qua 4 nhiệm kỳ, hơn 10 năm gắn bó với LHCĐ tỉnh Tiền Giang là khoảng thời gian in bao dấu ấn, kỷ niệm trong cuộc đời của chị Phan Thị Xuân. Làm cán bộ văn phòng, nhưng rất ít khi chị ở văn phòng. Chị cùng với các thành viên trong Ban Chấp hành thường xuyên đi xuống cơ sở nắm tình hình để tổng hợp báo cáo, tham mưu, đề xuất với lãnh đạo nhiều biện pháp, kế hoạch nhằm đẩy mạnh mọi hoạt động của Công đoàn.

Không quản ngại khó khăn, chị đã cùng với anh chị em trong cơ quan tham gia trồng lúa, trồng dưa, trồng bạch đàn, liên kết làm bánh mì để cải thiện cuộc sống. Trong hoàn cảnh khó khăn chung của cả nước, mặc dù kinh phí eo hẹp, cuộc sống khó khăn, nhưng chị đã cố gắng hết sức mình với tinh thần làm hết việc chứ không hết giờ, làm với tinh thần trách nhiệm cao bằng cả khối óc và con tim của mình.

Vì vậy, cho đến bây giờ, chị vẫn luôn tự hào đã đóng góp công sức của mình cùng với LHCĐ tỉnh Tiền Giang thường xuyên chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng của CNVC-NLĐ và cùng với LHCĐ tỉnh góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền đẩy mạnh quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng vững mạnh.

Không chỉ là một cán bộ Công đoàn gương mẫu, chị Phan Thị Xuân còn là một người vợ, người mẹ chu toàn. Hiện nay, cả 4 người con của chị đều tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định. Gia đình chị 10 năm liền (2001 - 2010) được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” cấp quận và được bình chọn là Gia đình văn hóa điển hình cấp thành phố.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.