Thành đoàn Mỹ Tho: 2 mô hình thiết thực, hiệu quả
Một là, mô hình “Sọt rác thanh niên” do các bạn đoàn viên, thanh niên và đội viên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh phường 5, TP. Mỹ Tho tổ chức. Để thực hiện mô hình này, các bạn đã trang bị cho mỗi điểm sinh hoạt chi đoàn, liên đội hay các cơ quan, trường học, trạm y tế, điểm tiếp dân… trên địa bàn phường 2 sọt rác.
Các chi đoàn, liên đội ở mỗi điểm sẽ “quản” ít nhất 2 sọt rác đặt ở điểm sinh hoạt của mình hoặc đặt tại các công sở gần nơi sinh hoạt. 2 sọt rác sẽ được chia ra: Rác có thể tái sử dụng được và rác bỏ hẳn (có thể dùng để bán ve chai).
Sau vài ngày các thùng rác đã đầy, các bạn đoàn viên hoặc đội viên sẽ gom lại, phân loại lần nữa đã tái sử dụng hoặc gọi người đến thu mua. Số tiền có được sẽ sử dụng làm kinh phí hoạt động của chi đoàn, liên đội và để xây dựng các công trình thanh niên hoặc công trình măng non.
Đoàn viên phường 5- TP. Mỹ Tho thu gom ve chai vào cuối tuần thông qua mô hình “Sọt rác thanh niên”. |
Người đề xuất ý tưởng này là Cao Hồng Trường Giang, Bí thư Đoàn phường 5. Ý tưởng này hình thành khi Giang thấy tại các cơ quan, trường học, trạm y tế, điểm tiếp dân… thường có rất nhiều chai, hũ nhựa và giấy vụn.
Nếu tổ chức thu gom sẽ vừa làm sạch môi trường nơi đây, vừa có nguồn thu không nhỏ cho chi đoàn hoặc liên đội nên Giang mạnh dạn đề xuất và được các bạn đoàn viên, đội viên cùng lãnh đạo các công sở ủng hộ. Hiện tại, mô hình đã được triển khai thực hiện tại 15 điểm công cộng trong phường 5. Đoàn phường sẽ nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Nguyễn Hữu Tiền trước “CLB Cà phê - Phôtô thanh niên”. |
Hai là, mô hình “CLB Cà phê - Phôtô thanh niên” của các bạn đoàn viên, thanh niên xã Đạo Thạnh. Người đề xuất ý tưởng này là Nguyễn Hữu Tiền, Bí thư Xã đoàn Đạo Thạnh. Để thực hiện mô hình này, Hữu Tiền vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn để mua máy phôtô, thuê chỗ dựng ki-ốt, mua sắm những thứ cần thiết để bán cà phê, nước giải khát, văn phòng phẩm…
UBND xã đã tạo điều kiện về sân bãi để Tiền thực hiện mô hình. Hiện tại, CLB có 5 người, do Tiền chịu trách nhiệm chung. Các bạn thay nhau phục vụ. Tiền chia sẻ: “Khi đứng ra vay tiền để thực hiện mô hình, ai cũng cho rằng tôi liều lĩnh vì chi phí đầu tư lớn, nhưng hiệu quả thì chưa biết thế nào. Tôi rất lo lắng nhưng quyết tâm thực hiện và được gia đình, các cô chú trong UBND xã cùng các bạn trong Xã đoàn nhiệt tình ủng hộ nên việc triển khai thực hiện được suôn sẻ”.
Kết quả sau 1 năm thực hiện, mô hình đã có thể hoàn vốn đợt đầu (sau khi trừ hết các chi phí). Ngoài tạo việc làm tạm thời cho 4 thành viên phụ giúp, mô hình còn hỗ trợ chi phí in ấn tài liệu của các cơ quan, ban, ngành xã và hỗ trợ kinh phí hoạt động của Xã đoàn. Nơi đây còn là địa điểm tập họp, sinh hoạt của đoàn viên, thanh niên…
Đó là 2 trong nhiều mô hình rất thiết thực và mang lại hiệu quả cao, góp phần làm phong phú hoạt động của 2 phong trào “4 đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp”, “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” của tuổi trẻ TP. Mỹ Tho.
MINH CHÂU