Thầy thuốc ưu tú Lê Đăng Ngạn: Người gác cổng dịch bệnh
Nếu hệ điều trị chữa khỏi bệnh cho từng cá thể thì hệ dự phòng làm công tác phòng bệnh cho cả cộng đồng. Đây là trọng trách to lớn, vất vả và nguy hiểm. Thầy thuốc Ưu tú Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là bác sĩ đã có hơn 30 năm cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Tiền Giang vào năm 1982, y sĩ Lê Đăng Ngạn được phân công về công tác ở huyện Chợ Gạo. Đến năm 1985, anh lên đường nhập ngũ, trở thành y sĩ quân y thuộc Tiểu đoàn Ấp Bắc phục vụ trên đất bạn Campuchia. Năm 1989, sau khi xuất ngũ, y sĩ Ngạn về công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho đến nay.
Dịch bệnh và cách phòng tránh dịch bệnh luôn là đề tài cuốn hút của bác sĩ Lê Đăng Ngạn. |
Mang trong mình cái tâm của người thầy thuốc được đào tạo từ trường y và sự kiên cường của người lính Cụ Hồ được tôi rèn qua lửa đạn, y sĩ Lê Đăng Ngạn đã không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ nhằm phục vụ cộng đồng. Hiện tại anh đã hoàn thành chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp 2.
Có lẽ, ít người hiểu hết được những khó khăn thầm lặng mà những cán bộ y tế dự phòng đang ngày đêm đối mặt. Nhất là khi có dịch xảy ra, Bác sĩ Lê Đăng Ngạn là một trong những cán bộ y tế dự phòng tiên phong xông vào ổ dịch để giám sát, khống chế, khoanh vùng, lấy mẫu để xử lý ổ dịch kịp thời. Vất vả, hiểm nguy nhưng anh vẫn làm việc bằng tinh thần trách nhiệm cao. Tất cả những gì anh làm đều hướng đến đích cuối cùng là bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng - nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc.
Bác sĩ Ngạn còn là người có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đóng góp cho ngành y tế dự phòng. Chẳng hạn đề tài đánh giá chỉ số tác động của chương trình phòng, chống các rối loạn do thiếu iốt; nghiên cứu mô hình bệnh tật và xu hướng lưu hành một số loại bệnh tật tại Tiền Giang; tình hình nhiễm virus viêm gan B và các yếu tố liên quan trên những đối tượng đến tiêm ngừa; đặc điểm dịch tể bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn Tiền Giang… Các nghiên cứu khoa học của bác sĩ Ngạn được đánh giá cao và được đưa vào ứng dụng phục vụ công tác dự phòng của tỉnh nhà.
Nói về công tác y tế dự phòng tỉnh nhà hiện nay, bác sĩ Ngạn trăn trở đầy trách nhiệm: “Đội ngũ cán bộ làm công tác y tế dự phòng được ví như người gác cổng đối với dịch bệnh. Chỉ cần người gác cổng sơ sẩy một chút hoặc năng lực hạn chế một chút là các loại bệnh dịch sẽ có cơ hội đột nhập, tấn công cộng đồng ngay. Hiện nay, thiếu hụt nguồn nhân lực là khó khăn chung của ngành Y tế, tuy nhiên đối với hệ dự phòng thì sự thiếu hụt này càng nghiêm trọng hơn, điều này ảnh hưởng đến chất lượng công tác dự phòng.
Có đến hơn 20 năm rồi hệ y tế dự phòng của tỉnh tuyển không được bác sĩ chính quy. Để có nhân lực phục vụ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phải tự tạo nguồn cán bộ bằng cách tuyển nhân viên có trình độ trung cấp, sau đó đưa đi đào tạo nâng cao chuyên môn. Năm 2012 là năm đầu tiên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tuyển được 3 cán bộ có trình độ đại học và sau đại học.
Tuy nhiên, đây cũng là những cán bộ trong ngành chuyển công tác đến chứ không phải là cán bộ tuyển mới. Hiện tại, chỉ trừ khoa xét nghiệm có cán bộ trẻ, còn lại tất cả các khoa, phòng khác và lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đều có tuổi đời trên dưới 50 tuổi. Do đó ngành Y tế dự phòng còn phải đối mặt thêm 1 khó khăn nữa là bị hụt hẫng cán bộ lãnh đạo kế thừa”.
Công việc nhiều, môi trường làm việc nguy hiểm, độc hại, thu nhập không cao nhưng bác sĩ Ngạn vẫn gắn bó với ngành. Bởi vì theo anh “Bác sĩ gắn bó với công tác dự phòng vì một tình yêu công việc là phục vụ cộng đồng. Sau khi vật lộn dập dịch, khống chế dịch thành công, người làm công tác y tế dự phòng chúng tôi hạnh phúc, xem đó là phần thưởng. Thêm một niềm vui nữa là có thể chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức cho nhóm kế thừa”.
THỦY HÀ