Thứ Hai, 24/03/2014, 09:22 (GMT+7)
.

Thị xã Cai Lậy: Đô thị trung tâm vùng phía Tây tỉnh Tiền Giang

Xuất phát từ vị trí, vai trò và nhu cầu thực tiễn phát triển của đô thị Cai Lậy; đồng thời đáp ứng lòng mong đợi của Đảng bộ và nhân dân huyện Cai Lậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 130/NQ-CP ngày 26-12-2013 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy; thành lập các phường thuộc thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, thị xã Cai Lậy được thành lập trên cơ sở điều chỉnh 14.018,95 ha diện tích tự nhiên và 123.775 nhân khẩu của huyện Cai Lậy, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của thị trấn Cai Lậy và các xã Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Tân Phú, Tân Bình, Tân Hội, Nhị Mỹ, Nhị Quý, Thanh Hòa, Phú Quý, Long Khánh.

Về địa giới hành chính, thị xã Cai Lậy có 6 phường gồm: Phường 1, phường 2, phường 3, phường 4, phường 5, phường Nhị Mỹ và 10 đơn vị hành chính cấp xã gồm các xã: Tân Bình, Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Tân Phú, Tân Hội, Nhị Quý, Thanh Hòa, Phú Quý, Long Khánh.

Huyện Cai Lậy có 25.599,37 ha diện tích tự nhiên và 186.583 nhân khẩu, với 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm các xã: Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, Phú Cường, Mỹ Thành Nam, Phú Nhuận, Bình Phú, Cẩm Sơn, Phú An, Mỹ Long, Long Tiên, Hiệp Đức, Long Trung, Hội Xuân, Tân Phong, Tam Bình và Ngũ Hiệp.

Một góc cụm dân cư khu phố 1, thị trấn Cai Lậy - nơi sẽ trở thành một trong các phường của thị xã Cai Lậy.
Một góc cụm dân cư khu phố 1, thị trấn Cai Lậy - nơi sẽ trở thành một trong các phường của thị xã Cai Lậy.

Khi thành lập, thị xã Cai Lậy sẽ trở thành đơn vị hành chính thứ 11 của tỉnh Tiền Giang; đồng thời thị xã Cai Lậy sẽ phát triển và phát huy vai trò là đô thị trung tâm vùng các huyện, thị phía Tây của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Nhã, Bí thư Huyện ủy Cai Lậy cho biết: “Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thị xã Cai Lậy sẽ trở thành đô thị trung tâm cấp tiểu vùng phía Tây của tỉnh Tiền Giang, hình thành trục phát triển kinh tế - đô thị Cai Lậy - Mỹ Tho - Gò Công và cũng là trung tâm giao lưu kinh tế quan trọng từ vùng Nam sông Tiền và vùng Đồng Tháp Mười hướng về TP. Mỹ Tho và TP. Hồ Chí Minh”.

Mục tiêu phấn đấn đến năm 2015 tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thị xã Cai Lậy tăng bình quân 11,4% và đạt 12,7%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 10%/năm (kể từ khi chính thức công nhận thị xã Cai Lậy).

Thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân 10,4%/ năm trong giai đoạn đến năm 2015 và 10,8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm; tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố đạt trên 95%; hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Đến năm 2020 phấn đấu các xã, phường có đầy đủ các thiết chế văn hóa, tỷ lệ hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa đạt 98%…

Thị xã Cai Lậy sẽ là địa bàn phát triển chủ yếu là kinh tế đô thị với lĩnh vực chủ đạo là thương mại - dịch vụ. Trong tầm nhìn và phát triển trung - dài hạn, thị xã Cai Lậy là đô thị có vị trí trung chuyển trong giao thương khu vực phía Tây của tỉnh Tiền Giang và tác động đến phía Tây Nam vùng Đồng Tháp Mười với các tiềm năng phát triển về thương mại - dịch vụ có tính đầu mối trung chuyển, công nghiệp chế biến - kho vận nông sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, phát triển xây dựng đô thị, phát triển kinh tế vườn. Từ đó đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế - xã hội.

Hướng đến thành lập và xây dựng thị xã Cai Lậy trở thành đô thị trung tâm phát triển kinh tế - xã hội năng động ở khu vực phía Tây tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Nhã, Bí thư Huyện ủy Cai Lậy cho biết, thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cai Lậy đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Nghị quyết 130/NQ-CP ngày 26-12-2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy; thành lập các phường thuộc thị xã Cai Lậy đến cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, để hiểu rõ tầm quan trọng của việc thành lập thị xã Cai Lậy là nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Công tác tuyên truyền được xác định là việc làm mang tính quyết định cho sự thành công của việc chia tách cũng như sự phát triển của thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy trong tương lai.

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cai Lậy cũng tập trung cho công tác tổ chức cán bộ. Bằng việc rà soát, tuyển chọn những cán bộ đủ năng lực, trình độ, tâm huyết để bố trí vào các vị trí chủ chốt, đáp ứng yêu cầu phát triển thị xã Cai Lậy và củng cố lại nhân sự huyện Cai Lậy, nhằm đảm bảo cho sự phát triển ngày càng xứng tầm đô thị của thị xã Cai Lậy và phát huy tiềm năng, lợi thế để huyện Cai Lậy tiếp tục phát triển.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng định hướng phát triển phù hợp, tin rằng thị xã Cai Lậy sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến một thị xã năng động trong tương lai.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.