Thứ Tư, 19/03/2014, 15:43 (GMT+7)
.

Xã Tân Điền (Gò Công Đông): Khắc phục khó khăn, nỗ lực đi lên NTM

Nằm ở cuối nguồn ngọt hóa, thường xuyên bị rò rỉ mặn vào mùa khô, ngập úng xảy ra khi hệ thống thủy lợi lấy nước trữ, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, trong khi các ngành, nghề kinh tế khác chưa phát triển. Song, với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã cùng sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, Tân Điền đang kỳ vọng sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) theo kế hoạch đề ra đối với xã điểm của tỉnh.  

Sản xuất có chuyển biến nhưng …

Tân Điền là xã thuần nông với cây trồng chủ yếu là lúa. Song, do nằm ở cuối nguồn ngọt hóa, nguồn nước không thuận lợi, những năm đầu của thập niên 1990, cây lúa chỉ sản xuất từ 1-2 vụ/năm, năng suất khoảng 3-4 tấn/ha. Khi Dự án Ngọt hóa Gò Công hoàn thiện, năng suất lúa của xã được nâng lên rõ rệt. Không dừng lại ở đó, nhiều nơi thuận lợi về nguồn nước, nông dân còn chuyển sang trồng màu để nâng cao thu nhập.

Những diện tích gần kinh dẫn nước, nông dân Tân Điền chuyển lên trồng rau màu để nâng thu nhập.
Những diện tích gần kinh dẫn nước, nông dân Tân Điền chuyển lên trồng rau màu để nâng thu nhập.

Chúng tôi về Tân Điền trong những ngày đầu tháng 3, khi tình hình hạn, mặn đang vào cao điểm. Vậy mà trên các cánh đồng của xã Tân Điền, lúa đông xuân đã vàng ươm, trĩu hạt đang chờ ngày gặt. Một số diện tích khác, lúa đã thu hoạch xong, năng suất từ 6 - 7 tấn/ha. Dù đang vào mùa khô nhưng các rẫy rau màu trải dài trên dọc các tuyến kinh vẫn đang xanh tốt.

Anh Dương Thanh Khoa, Trưởng ấp Trung, chỉ tay về phía các rẫy rau màu hứng khởi nói: “Mỗi ngày khu này thu hoạch hàng chục tấn rau, màu. Năm nay thời tiết thuận lợi, giá cả rau, màu tốt, bà con rất phấn khởi”.

Nhưng vui nhất trong vụ đông xuân này có lẽ là những người trồng lúa. Hiện tại, lúa đông xuân đang vào giai đoạn cuối vụ nhưng nước trong các tuyến kinh vẫn còn cao, chưa có diện tích nào bị thiếu nước phải bơm chuyền. Những diện tích lúa đã thu hoạch cho năng suất khá cao và viễn cảnh về vụ lúa trúng mùa gần như chắc chắn.

Ông Nguyễn Văn Nhiều, ấp Trung, vừa mới thu hoạch 2 ha lúa và 7 công màu, phấn khởi cho biết, vụ đông xuân 2013-2014 ông đạt lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Đó là nhờ ông tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ (mô hình 41 ha) do Công ty Lương thực Tiền Giang thực hiện. “Công ty ứng giống lúa mới ST20 cho nông dân sạ. Kết quả, lúa cho năng suất 7,5 tấn/ha, sau khi thu hoạch công ty mua với giá 7.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi còn lời 80 triệu đồng. Ngoài ra, cây rau, màu cũng có một năm được giá, được mùa, cho lợi nhuận cũng khá”- ông Nhiều bày tỏ.

Đây là điển hình cho sự chuyển biến trong sản xuất, đời sống của người dân vùng ven biển trong những năm qua. Theo những nông dân kỳ cựu trong vùng, từ khi Dự án Ngọt hóa Gò Công được hoàn thiện, nguồn nước sản xuất, sinh hoạt được cải thiện, nông dân sản xuất tăng vụ, năng suất lúa tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Từ đó, thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể, đời sống được cải thiện.

Không dừng lại ở đó, những năm gần đây, nông dân bắt đầu chuyển hướng mạnh mẽ từ sản xuất lúa thường sang lúa chất lượng cao, góp phần nâng cao giá trị hạt lúa, tăng hiệu quả sản xuất. Theo UBND xã, toàn xã có 93% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao.

Không chỉ thế, khi điều kiện nước sản xuất thuận lợi, nhiều vùng có ưu thế về nguồn nước, người dân chuyển sang trồng rau màu để nâng thu nhập. Kết quả, đến nay số diện tích trồng rau, màu thường xuyên trên địa bàn lên đến 100 ha.

Mặc dù điều kiện sản xuất, đời sống kinh tế, xã hội của xã có nhiều chuyển biến theo hướng thuận lợi, phát triển hơn so với trước nhưng theo lãnh đạo xã cùng những người dân cố cựu nơi đây, sự thay đổi ấy vẫn còn chậm. Sản xuất vẫn còn chịu tác động không nhỏ bởi thiên tai; nhiều lúc, nhiều nơi điều kiện sản xuất chưa đảm bảo, rủi ro trong sản xuất còn cao; đời sống người dân vẫn còn khó khăn.

Xác định nguồn lực đi lên NTM  

Qua 2 năm triển khai xây dựng NTM, từ 5 tiêu chí đạt ban đầu đến nay, xã cơ bản đạt 12 tiêu chí (gồm quy hoạch và thực hiện quy hoạch, an ninh trật tự xã hội, giáo dục, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, điện, thủy lợi, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, nhà ở dân cư, hộ nghèo). Đó là cơ sở và niềm tin cho xã tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới.

Nổi bật nhất có thể kể đến là tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm khá nhanh, từ 8,6% vào năm 2012 xuống dưới 7% vào đầu năm 2014. Thu nhập bình quân đầu người của xã từ 13,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2011 tăng lên 21 triệu đồng/người/ năm vào cuối năm 2013.

Đây là kết quả nỗ lực của xã, sự tham gia của các cấp, các ngành hỗ trợ nâng hiệu quả sản xuất thông qua chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các mô hình tiên tiến vào sản xuất...

Tuy nhiên, hành trình đến xã NTM của Tân Điền vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn cần tháo gỡ khi hạn định hoàn thành 19 tiêu chí NTM đối với xã điểm của tỉnh còn chưa đầy 2 năm. Ông Phạm Hồng Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã cho biết, vấn đề quan tâm trước tiên của xã hiện nay là tiêu chí thu nhập. Theo ước tính, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 21,3 triệu đồng/người/năm, còn kém xa với định mức 29 triệu đồng theo quy định.

Dù hiện nay xã cùng các cấp, các ngành đang tập trung các giải pháp để nâng tiêu chí này nhưng xem ra không hề đơn giản. Mặc dù đã tập trung đầu tư trong những năm qua nhưng việc hoàn thành tiêu chí giao thông vẫn còn là “bài toán” khó. Tiêu chí này cần nhiều vốn đầu tư, cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Đó là chưa đến nói một số tiêu chí mà tiến độ hoàn thành tùy thuộc rất lớn vào sự đầu tư, hỗ trợ của ngành dọc và lãnh đạo cấp trên.

Với nỗ lực đưa Tân Điền đi lên xã NTM, vừa qua lãnh đạo huyện Gò Công Đông đã chỉ đạo nhân rộng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa trên địa bàn xã trong thời gian tới. Dù chưa phải là cây trồng chiếm diện tích lớn nhưng để đón đầu, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, bao tiêu đầu ra cho nông dân, hướng vào sản xuất theo VietGAP khi điều kiện cho phép, năm 2012 Tân Điền đã tập hợp những người trồng củ hành tím vào tổ hợp tác với 10 ha.

Sự nỗ lực của xã cùng sự hỗ trợ của các ngành, các cấp thông qua giải pháp đào tạo nghề, xây dựng mô hình sản xuất điểm và nhân rộng mô hình… xã rất kỳ vọng có thể nâng thu  nhập đạt yêu cầu của tiêu chí đặt ra.

“Kế hoạch năm 2014, xã phấn đất đạt thêm tiêu chí về y tế, trường học, hệ thống chính trị xã hội. Năm 2015, xã nỗ lực hoàn thiện 4 tiêu chí còn lại. Nếu được sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với các tiêu chí cần nhiều vốn, tiêu chí khó hoàn thành cùng sự nỗ lực của xã vận động người dân đẩy nhanh hoàn thành các tiêu chí không cần nhiều nguồn lực, nhất là các tiêu chí liên quan đến người dân, Tân Điền hoàn toàn có khả năng hoàn thành mục tiêu đạt xã NTM vào năm 2015”- ông Phúc khẳng định.

N.VĂN

.
.
.