Xã Tân Phong: Phát huy sức dân xây dựng hoàn thiện hệ thống GTNT
Là vùng quê “cách trở đò ngang” với địa bàn sông rạch chằng chịt, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân xã Tân Phong, huyện Cai Lậy gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, nhờ huy động tốt nguồn lực trong nhân dân, điều kiện giao thông ở đây đã có nhiều thay đổi.
Tân Phong là một cù lao trên sông Tiền, được bao bọc bởi bốn bề sông nước, điều kiện đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân nơi đây gặp nhiều trở ngại khi hệ thống giao thông bị chia cắt. Trước đây, đường giao thông ở xã là những con đường đất nhỏ hẹp men theo vườn cây ăn trái, cầu tre, cầu ván tạm bợ, phương tiện giao thông chủ yếu là xuồng, ghe.
Theo thời gian, điều kiện sống của người dân có nhiều thay đổi, xã có điện thắp sáng, nước sạch sinh hoạt, phương tiện thủy được thay thế bằng xe máy, xe cơ giới chở nông sản, hàng hóa trao đổi với các xã lân cận. Hệ thống giao thông của xã dần được hoàn thiện, trong đó có những công trình kinh phí xây dựng được huy động hoàn toàn từ nguồn lực do người dân đóng góp.
Cầu 19-5 ở ấp Tân Thái, xã Tân Phong - một công trình giao thông do người dân tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng. |
2 công trình nổi bật ghi nhận kết quả sức dân ở cù lao Tân Phong thời gian qua là cầu cồn Bầu (ấp Tân Bường A) và cầu 19-5 (ấp Tân Thái) với kinh phí xây dựng 1,5 tỷ đồng, do người dân đóng góp và vận động. Là một cồn nhỏ nằm tách rời, trước đây người dân cồn Bầu gặp nhiều khó khăn khi đến trung tâm xã.
Không có điểm trường, con em cồn Bầu nuôi ước mơ có con chữ phải vượt sông bằng chiếc trẹt nhỏ. Những ngày mưa bão, đường đến trường của các em luôn song hành cùng tâm trạng không yên của các bậc phụ huynh. Ước mơ nối gần đôi bờ sông nhiều năm qua của người dân cồn Bầu đã trở thành hiện thực khi chiếc cầu khang trang được hoàn thành với chiều dài 150m, ngang 3m, kinh phí 800 triệu đồng.
Ngoài sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, người dân cồn Bầu còn đóng góp với số tiền 400 triệu đồng. Ông Nguyễn Kim Đổng, người dân cồn Bầu cho biết: “Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, cùng với không khí nhộn nhịp đón Xuân, người dân cồn Bầu đã có thêm niềm vui khác khi chiếc cầu nối đôi bờ sông hoàn thành. Từ ngày có chiếc cầu, bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, dễ dàng; con cháu các gia đình đến trường cũng nhanh chóng, thuận tiện hơn”.
Trước đó, người dân ấp Tân Thái cũng đưa vào sử dụng cầu 19-5 nối khu vực cồn Đại Diện với trung tâm xã, kết thúc những ngày qua sông lệ thuộc đò ngang. Cầu dài 120m, kinh phí xây dựng 700 triệu đồng, khánh thành nhân kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi nhận thành quả “đại đoàn kết” của người dân ở 1 xã vùng sông nước.
Sau khi cầu hoàn thành, người dân ấp Tân Thái tiếp tục đóng góp xây dựng tuyến đường dal dài 3km để thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển nông sản. Ông Trương Văn Nghiệp, người dân ấp Tân Thái chia sẻ: “Sống ở miệt sông nước mới hiểu hết những khó khăn của cảnh qua sông lụy đò, nhất là những gia đình có người thân đau ốm lúc đêm khuya. Chính điều đó khiến chúng tôi chỉ mong có 1 chiếc cầu để lưu thông qua lại thuận tiện hơn. Cầu hoàn thành có sự góp sức của rất nhiều người. Bản thân chúng tôi thấy đây là công trình phục vụ chính mình nên hưởng ứng ngay”.
5 năm gần đây, nhờ có sự đồng thuận cao của người dân, hầu hết các cầu ván nhỏ hẹp, các tuyến đường đất lầy lội trên địa bàn xã Tân Phong đã được kiên cố hóa. Trong đó, không ít công trình do nhân dân tự thiết kế, trực tiếp đóng góp tiền, công sức thi công hoặc vận động hỗ trợ.
Tính từ năm 2009-2013, xã Tân Phong đã huy động 3 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân để xây dựng và sửa chữa 47 công trình cầu, đường giao thông có quy mô từ vài chục triệu, đến hàng trăm triệu đồng.
Tự nguyện đóng góp công sức để hoàn thiện hệ thống giao thông ở địa phương, việc làm đó của người dân xã Tân Phong đã và đang góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.
TRƯỜNG GIANG