24 tỉnh, thành chưa quyết liệt kiểm soát tải trọng xe
Ngày 16-4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký công văn gửi các bộ ngành, các tỉnh thành yêu cầu tăng cường thực hiện các giải pháp siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ.
Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh |
Công văn nêu rõ, qua tuần đầu ra quân (từ ngày 1 đến 7-4), công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ được triển khai khá đồng bộ ở các địa phương, đã đạt những kết quả bước đầu tích cực, được nhân dân đồng tình và hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải ủng hộ.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao 17 địa phương đã triển khai đồng bộ, nghiêm túc công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, duy trì liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, gồm: Hà Nội, Nghệ An, Phú Yên, Lâm Đồng, Phú Thọ, Hưng Yên, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Hà Nam, Nam Định, Thái Nguyên, Thanh Hóa. Đặc biệt có 6 địa phương đã tổ chức triển khai đạt hiệu quả cao, gồm: Hà Nội, Phú Thọ, Hà Nam, Lâm Đồng, Yên Bái, Nghệ An.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa có các giải pháp hiệu quả trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, thiết bị được cấp chậm đưa vào sử dụng, chưa tổ chức duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần, để chủ xe, lái xe lợi dụng, tiếp tục vi phạm chở quá tải trọng, gây mất an toàn giao thông và làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông.
Ngày 14-4, UBDN tỉnh ký Quyết định số 885/QĐ-UBND thành lập Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Tiền Giang. Theo đó, Sở GTVT trực tiếp tổ chức, quản lý hoạt động của trạm. Các lực lượng hoạt động tại trạm gồm Thanh tra giao thông, cán bộ chiến sĩ do Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham gia được tổ chức theo hình thức Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng, Ca trưởng, các nhân viên kỹ thuật và nhân viên khác và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan và theo phân công trách nhiệm tại Quy chế phối hợp các lực lượng hoạt động tại trạm. |
Cụ thể là 24 địa phương: Bắc Ninh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắc, Đắk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận, Long An, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cà Mau.
Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành tăng cường chỉ đạo Công an tỉnh và Sở GT-VT tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, đồng thời xác định công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
Có biện pháp kiên quyết để chấm dứt tình trạng bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm chở hàng quá tải, thách thức dư luận xã hội; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra tình trạng phương tiện vi phạm chở hàng quá trọng tải lưu thông trên đường bộ thuộc địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành tiến hành thường xuyên công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ; kịp thời biểu dương, khen thưởng; phê bình, kỷ luật tổ chức, cá nhân; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
P.V (tổng hợp)