Thứ Bảy, 26/04/2014, 14:57 (GMT+7)
.

Hai tấm gương sáng Bộ đội cụ Hồ thời bình

Ông Nguyễn Tiến Châu và những huân chương, kỉ niệm chương cao quý
Ông Nguyễn Tiến Châu với những Huân chương, Kỷ niệm chương được trao tặng.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những người lính năm nào vẫn hăng say chiến đấu trên mặt trận mới, ra sức phát triển kinh tế, góp sức làm nên diện mạo mới cho quê hương.

Cựu chiến binh Nguyễn Chí Công (Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) là một minh chứng sống động cho nhận định trên.

Cách đây hơn 40 năm, ông thoát ly gia đình tham gia cách mạng, trở thành anh Bộ đội cụ Hồ.

Đến năm 1993, ông về công tác tại quê nhà và giữ chức vụ Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp.

Ông đã ra sức phát triển kinh tế gia đình. Học hỏi mô hình từ một người bạn, ông mạnh dạn đầu tư mua dụng cụ và nguyên vật liệu về xe nhang. Thấy hiệu quả kinh tế cao, cải thiện được cuộc sống gia đình, ông tiếp tục nhân rộng mô hình này và khuyến khích bà con làm theo.

Bên cạnh đó, ông còn xây chuồng và nuôi heo thịt, heo sinh sản. Nhờ biết cách chăm sóc nên heo mau lớn, sinh sản tốt, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Không dừng lại ở đó, ông bỏ thêm vốn và đầu tư nuôi gà thả vườn trên mảnh đất ít ỏi của gia đình, sau 3 đến 4 tháng ông bán một lần thu được vài triệu đồng. Nhờ chăm chỉ làm  ăn, hàng năm ông thu hàng trăm triệu đồng từ việc chăn nuôi, góp phần đưa kinh tế gia đình ngày càng đi lên.

Ngoài ra, ông còn quan tâm nhiều đến đời sống của bà con trong vùng, nhất là việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Ông đã đứng ra vận động bà con và các doanh nghiệp đóng góp kinh phí trên 400 triệu đồng xây dựng đường 1B ấp Mỹ Hòa dài gần 600m. Đây là con đường huyết mạch của ấp được xây dựng theo chuẩn nông thôn mới. Từ khi con đường được xây dựng đến nay, đời sống bà con có nhiều khởi sắc.

Ông Công cho biết: “Là Bộ đội cụ Hồ, phải phấn đấu sao cho kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho các con được học hành đến nơi đến chốn. Khi kinh tế vững vàng, mình mới an tâm tham gia tốt các hoạt động công tác Hội, tiếp tục cống hiến cho xã hội. Và đặc biệt, phải xem việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm không thể thiếu trong cuộc sống này”.

Đến với ông Nguyễn Tiến Châu (ấp Đồng, Trung An, TP. Mỹ Tho) mới thấy được nghị lực của một thương binh hạng 2/4. Vừa tròn 18 tuổi ông Châu đã thoát ly gia đình tham gia kháng chiến, trải qua nhiều đơn vị khác nhau, đến năm 1980 ông được giải quyết nghỉ hưu vì sức khỏe yếu.

Cầm trên tay tấm Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, ông luôn trăn trở: phải làm sao, làm như thế nào để xứng đáng với tấm Huân chương cao quý này?. Thế là, ông lại tiếp tục chiến đấu mới để xây dựng kinh tế gia đình, xây dựng quê hương trên mảnh đất hoang sơ, còn nhiều khó khăn.

Ông ra sức cải tạo số đất ít ỏi của gia đình và tiến hành trồng dừa xen thêm bưởi, chuối phần còn lại ông tiến hành trồng kiểng và cây mai vàng để tăng thêm thu nhập cho gia đình, nhất là những khi tết đến xuân về.

Không dừng lại ở đó, ông còn đầu tư chăn nuôi dê. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, ông thu về hàng trăm triệu đồng từ vườn cây ăn trái và chăn nuôi góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, tạo điều kiện cho các con ăn học đến nơi đến chốn.

Ngoài ra, ông còn quan tâm đến cuộc sống bà con trong ấp. Ông đã tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, hỗ trợ vốn cho những hộ gia đình khó khăn để họ có thêm điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình.

Ông Châu chia sẻ: “Mình phải chứng minh được rằng mình tàn nhưng không phế, chiến tranh đã cướp đi của mình quá nhiều thứ, bây giờ phải phấn đấu xây dựng tương lai hạnh phúc, xây dựng xóm làng, quê hương giàu đẹp”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những anh “Bộ đội cụ Hồ” ngày nào vẫn luôn phấn đấu, ra sức xây dựng quê hương đất nước trong thời bình, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học hỏi, noi theo.

VĂN MINH

.
.
.