Tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và TKCN
Ngày 10-4, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 09/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND đã chỉ thị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2013 đề ra phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2014 sát với tình hình thực tế địa phương, đơn vị mình, phát huy những ưu điểm, những chương trình, dự án công việc mang lại hiệu quả thiết thực...
Chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu.
Tuyến đê bao tại cụm dân cư vượt lũ xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước. Ảnh: Vân Anh |
Củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức và sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, bổ sung phương án ứng phó của Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ huy để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16-1-2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24-8-2000; Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28-2-2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.
Tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống lụt, bão, thiên tai trên cơ sở quán triệt phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và chủ động phòng, tránh ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.
Quán triệt trong nội bộ và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là nhân dân ở các xã cù lao, vùng ven biển, các xã trong vùng ngập sâu và ngư dân về diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, những kiến thức cơ bản về phòng, chống các dạng thiên tai theo từng đối tượng cụ thể, để nhân dân biết chủ động phòng, chống khi có tình huống xấu xảy ra.
Rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm trên địa bàn để khi có xảy ra thiên tai thì chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; xây dựng phương án cụ thể và sẵn sàng thực hiện sơ tán khi cần thiết. Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ"...
Kiểm tra, đánh giá chất lượng từng tuyến đê, huy động mọi nguồn lực để tiến hành duy tu, sửa chữa, gia cố đê biển, đê sông, đê bao ngăn lũ, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi nội đồng, các công trình đầu mối, đảm bảo khai thông dòng chảy, đủ nước bơm tưới khi khô hạn và tiêu thoát lũ nhanh khi ngập úng.
(Theo tiengiang.gov.vn)