Tăng cường hỗ trợ hoạt động Thừa phát lại
Nói đến cụm từ Thừa phát lại, nhiều người cảm thấy khá xa lạ, nhưng thực ra Thừa phát lại đã xuất hiện và hoạt động ở nước ta từ trước năm 1975. Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và một số công việc khác.
Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại là một chủ trương lớn của Đảng nhằm xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, được thể chế hóa trong Nghị quyết 36/QH13, ngày 23-11-2012 của Quốc hội. Thực hiện nghị quyết nêu trên của Quốc hội, ngày 25-3-2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 510/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”. Ngày 12-9-2013, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định 2820/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Tiền Giang”.
Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 144/KH-UBND và Quyết định 2282/QĐ-UB, ngày 20-9-2013, về việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tỉnh Tiền Giang”; đồng thời tổ chức hội nghị triển khai việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; triển khai một số nghị định của Chính phủ về tổ chức hoạt động của Thừa phát lại; tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại; tiêu chuẩn Thừa phát lại; thủ tục bổ nhiệm Thừa phát lại nhằm giúp nhân dân hiểu biết cơ bản về chế định Thừa phát lại...
Theo đó, Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và một số công việc khác. Đây là một ngành nghề trong xã hội mới được làm thí điểm nhằm giúp nhân dân có sự lựa chọn tốt hơn trong việc sử dụng thi hành án hay thừa phát lại để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Công việc Thừa phát lại được làm bao gồm: Thực hiện việc tống đạt các văn bản theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại: Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt; không có tiền án; có bằng cử nhân Luật, đã công tác trong ngành pháp luật trên 5 năm hoặc đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên, điều tra viên từ trung cấp trở lên; có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức; không kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.
Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã thành lập Hội đồng xét duyệt hồ sơ xin bổ nhiệm Thừa phát lại, trình và được Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại cho 7 trường hợp.
Sau khi tổ chức Lễ trao Quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại, Sở Tư pháp tiếp tục phổ biến và hướng dẫn việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo lộ trình kế hoạch. Tính đến ngày 28-3-2014, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 3 Văn phòng Thừa phát lại.
Cụ thể: Văn phòng Thừa phát lại Cai Lậy khai trương ngày 18-2-2014, do ông Cao Văn Rạng làm trưởng văn phòng; Văn phòng Thừa phát lại TP. Mỹ Tho khai trương ngày 11-3-2014, do ông Nguyễn Quốc Hùng làm trưởng văn phòng và Văn phòng Thừa phát lại Cái Bè khai trương ngày 20-3-2014, do bà Đoàn Kim Duyên làm trưởng văn phòng.
Như vậy, việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tăng cường hỗ trợ về mọi mặt, cơ bản đáp ứng yêu cầu so với Đề án 126/ĐA-UBND, ngày 12-8-2013 của UBND tỉnh về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2013-2015, có từ 3 đến 4 văn phòng Thừa phát lại.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG