Thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho người khuyết tật
Người khuyết tật là đối tượng nhạy cảm nhất với những biến đổi trong cuộc sống. Để tạo điều kiện cho những người không may mắc khuyết tật, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện để họ vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.
CHÍNH SÁCH KỊP THỜI
Luật Người khuyết tật đã được ban hành vào năm 2010, là cơ sở pháp lý vững chắc để người khuyết tật vươn lên ổn định cuộc sống. Luật đã quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật…
Việc làm là yếu tố quyết định trong việc nâng cao đời sống của người khuyết tật. Ảnh: Hạnh Nga |
Cùng với Luật Người khuyết tật là các Nghị định của Chính phủ về thực hiện các chính sách ưu đãi cho người khuyết tật. So với Nghị định 67 và Nghị định 13 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trước khi ban hành Luật Người khuyết tật, thì Nghị định 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã mở rộng đối tượng người khuyết tật được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước, không chỉ những người không có khả năng lao động, người mắc bệnh tâm thần mãn tính… được hưởng, mà cả người chăm sóc người khuyết tật cũng được hưởng chính sách; đồng thời nâng mức trợ cấp và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác.
Theo đó, người khuyết tật được hưởng chế độ trợ cấp xã hội gồm người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng. Việc xác định mức độ khuyết tật dựa vào hội đồng xét duyệt cấp xã, nếu hội đồng xét duyệt cấp xã không làm được thì sẽ được giám định y khoa.
Theo Nghị định, người khuyết tật nặng được hưởng hỗ trợ hệ số 1,5 - tương đương mức 270.000 đồng/tháng; nếu là trẻ em hoặc người cao tuổi, hệ số hỗ trợ sẽ là 2,0. Đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, hệ số hỗ trợ là 2,0 - tương đương 360.000 đồng/tháng và hệ số 2,5 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em hoặc người cao tuổi. Ngoài ra, người chăm sóc người khuyết tật cũng được hỗ trợ kinh phí hàng tháng.
Cùng với sự hỗ trợ về vật chất, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi tham gia các phương tiện giao thông và giảm giá vé khi người khuyết tật sử dụng các dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch. Các đơn vị ở các lĩnh vực giao thông, văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp người khuyết tật tham gia vào các dịch vụ của mình.
Anh Nguyễn Văn Dương, ngụ ấp Thanh Đăng, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, bị sốt bại liệt từ 3 tuổi. Hiện anh Dương 35 tuổi, mưu sinh bằng nghề sửa xe máy và bán điện thoại di động, card điện thoại và chị Nguyễn Thị Hiếu, 49 tuổi, ngụ ấp Hòa Lợi Tiểu, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo. Chị bị nhiễm chất độc da cam, 2 chân không đi được. Hiện chị mưu sinh bằng nghề bán vé số. |
Nếu người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động là người khuyết tật trở lên sẽ được hỗ trợ kinh phí cải tạo môi trường làm việc phù hợp với người khuyết tật, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Cùng với chính sách ưu đãi chung của Nhà nước, Tiền Giang cũng đã có những chủ trương nhằm giúp đỡ người khuyết tật của tỉnh nhà.
CỘNG ĐỒNG TRÁCH NHIỆM
Nhằm chăm lo ngày một tốt hơn cuộc sống người khuyết tật, tỉnh đã xây dựng Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013 - 2020. Theo kế hoạch thực hiện đề án này, tỉnh hỗ trợ người khuyết tật khắc phục khó khăn phát huy khả năng của mình, tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế, xã hội.
Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Mục tiêu cụ thể của tỉnh đến năm 2015 là hàng năm có 70% người khuyết tật tiếp cận dịch vụ y tế bằng nhiều hình thức khác nhau; 35% trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm và can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 1.500 người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp;
70% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được đến trường hòa nhập, còn lại được tiếp cận giáo dục; 30% người khuyết tật trong độ tuổi lao động có khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp; ít nhất 20% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông; 30% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông;
20% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; 60% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; 40% gia đình có người khuyết tật đựơc tập huấn kỹ năng chăm sóc và phương pháp phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 20% người khuyết tật được tập huấn kỹ năng sống…
Được biết, hiện toàn tỉnh có trên 31.400 người khuyết tật, bao gồm 8.219 thương binh, bệnh binh; 1.407 nạn nhân chất độc da cam; 1.024 người khuyết tật do tai nạn lao động; 1.269 trẻ em khuyết tật đang học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục; 19.330 người khuyết tật khác đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng và 180 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Đời sống của đa số người khuyết tật hiện còn nhiều khó khăn, sống phụ thuộc vào thân nhân và các chế độ, chính sách hàng tháng; đa số người khuyết tật còn khả năng lao động chưa qua đào tạo nghề (trong năm 2013, toàn tỉnh chỉ có 33 người khuyết tật tham gia các lớp học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp); một số trẻ khuyết tật chưa được đến trường, phần lớn chỉ biết đọc, biết viết nên cơ hội giao tiếp hòa nhập xã hội còn hạn chế…
Chăm lo cho người khuyết tật, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi. Có điều, chính sách ưu đãi chỉ là tiền đề, còn việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người khuyết tật rất cần sự cộng đồng trách nhiệm của xã hội và nỗ lực của chính người khuyết tật.
HẠNH NGA