Chị Huỳnh Hồng Thúy: Trở thành doanh nhân từ niềm đam mê thể thao
Qua giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Mỹ Tho, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH Thể thao Hải Yến để trò chuyện với Giám đốc Huỳnh Hồng Thúy, một nữ doanh nhân tiêu biểu trong thời hội nhập và phát triển. Với vẻ chân chất, hiền hậu, chị chân thành kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng đầy gian nan, vất vả trong cuộc đời, cũng như những nỗ lực để gầy dựng sự nghiệp của mình.
Cái “duyên” trở thành doanh nhân
Chị Huỳnh Hồng Thúy, là con út trong một gia đình đông anh em ở TP. Mỹ Tho. Năm 1987, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm ngành Sinh - Kỹ thuật, chị được phân công về dạy học tại Trường THCS Xuân Diệu (TP. Mỹ Tho). Cô giáo Hồng Thúy vừa giảng dạy vừa nhiệt tình tham gia các phong trào thể thao, văn hóa, văn nghệ của trường. Đặc biệt, chị lại thích chơi cầu lông, tham dự các cuộc thi của trường, thành phố và đều giành giải cao.
Chị Hồng Thúy đang kiểm tra máy dán keo. |
Niềm đam mê môn cầu lông ngày càng lớn trong chị Hồng Thúy. Không chỉ dừng lại ở việc luyện tập thường xuyên, chị bắt đầu tự tay sửa những chiếc vợt bị gãy, những trái cầu lông bị hư. Chị còn nghiên cứu, tìm tòi, làm ra những trái cầu lông cho riêng mình.
Chị Hồng Thúy cho biết: Chị gắn bó với môn cầu lông vì niềm đam mê. Đó là môn thể thao rất có lợi cho sức khoẻ và tinh thần, nên dù có bận việc chị cũng không từ bỏ chơi cầu lông và nghiên cứu trái cầu lông.
Thế rồi, trong căn phòng tập thể của trường THCS Xuân Diệu xuất hiện một nhóm thợ thủ công chuyên sửa vợt và trái cầu mà chị Thúy là trưởng nhóm. Chuyện gì đến rồi cũng đến, sau 7 năm làm giáo viên, cô giáo Hồng Thúy lại rẽ sang một hướng khác.
Chị xin nghỉ dạy và quyết định thành lập một cơ sở cầu lông nhỏ, chuyên sửa các dụng cụ cầu lông bị hư và sản xuất trái cầu lông. Khi hỏi vì sao chị lại quyết định chuyển sang kinh doanh, từ bỏ ước mơ của mình? Chị bảo: Đó là cái duyên mà chị cũng không thể ngờ. Từ giáo viên chuyển sang kinh doanh bước đầu gặp vô vàn khó khăn. Nhưng có lẽ vì niềm đam mê và vì kinh tế mà chị đã mạnh dạn quyết định.
Thương hiệu cầu lông Hải Yến
Năm 1991, chị Thúy thành lập cơ sở sản xuất nhỏ với số lượng công nhân chỉ 8-10 người. Chị đã thuê mặt bằng tại trường Cao đẳng Tiền Giang, rồi thuê mặt bằng trường Đảng TP. Mỹ Tho để làm nơi sản xuất và nhà kho.
Giờ đây, cơ sở cầu lông nhỏ chỉ vài trăm m2 nay đã là Công ty TNHH Thể thao Hải Yến, với diện tích 5.000 m2, tọa lạc tại ấp 3, xã Trung An, TP. Mỹ Tho. Công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm: Cầu lông, thảm trải sân cầu lông, lưới, vợt… Giờ đây dù là giám đốc, nhưng chị không ngày nào là không cầm vợt ra sân. Chị còn là thành viên của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh.
Trước đây, trái cầu lông được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, từ khâu cắt lông vịt, dán nhãn, may, vô keo… đều làm bằng tay, rất mất thời gian và công sức. Chị chia sẻ: Ngày xưa từng là giáo viên kỹ thuật nên chị cũng biết một chút về máy móc.
Từ vốn kiến thức ít ỏi được học trong nhà trường, chị tự tìm tòi, học hỏi rồi thiết kế các loại máy. Lúc đầu chị làm mô hình nhỏ để thực nghiệm, thấy hiệu quả mới nhờ các anh của mình (là thợ cơ khí) tìm dụng cụ rồi lắp ráp thành chiếc máy hoàn chỉnh. Hiện tại, các dây chuyền sản xuất hơn 80% đều tự động hóa.
Cầu lông Hải Yến giờ đây không chỉ tiêu thụ trong cả nước mà còn được xuất khẩu sang các nước: Pháp, Hàn Quốc, Philippin… Đã qua rồi cái thời khó khăn, công ty của chị đã tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, nhưng giám đốc Hồng Thúy vẫn không ngừng cố gắng để lãnh đạo công ty ngày một vững mạnh.
Vì người lao động
Công ty TNHH Thể thao Hải Yến hiện có hơn 200 công nhân, trong đó lao động nữ chiếm 80%. Công nhân Nguyễn Thị Thu Diễm chia sẻ: “Vì công việc cũng khá nhẹ nhàng nên giám đốc ưu tiên tuyển lao động nữ. Mình gắn bó với công ty này cũng hơn 10 năm rồi. Ở đây, ngoài tiền lương, còn có trợ cấp, phụ cấp, bảo hiểm. Đặc biệt, Giám đốc là nữ nên rất hiểu tâm lý chị em nên thường xuyên thăm hỏi, động viên. Chính vì vậy công nhân ai cũng quý mến chị Thúy.
Đặc biệt, trong công ty có một khuôn viên rộng chừng 300 m2 với 6 phòng, được trang trí như một trường mẫu giáo. Cô bảo mẫu Lê Thị Ngọc Phượng cho biết: “Hiện tại, ngày thường ở đây có 19 trẻ từ 1-6 tuổi là con của công nhân công ty. Vào ngày thứ 7, chủ nhật thì số lượng các cháu đông hơn nhiều. Ở đây các cháu được chăm sóc, ăn uống từ sáng đến chiều, khi nào ba mẹ tan ca thì rước về”.
Chia sẻ về ngôi trường đặc biệt này, giám đốc Hồng Thúy cho biết: Chị nghĩ ra ý định này để các chị em công nhân có thể an tâm làm việc, giờ nghỉ giải lao các chị em có thể ghé qua thăm con mình. Sắp tới, chị dự định bố trí thêm một số trang thiết bị cho các phòng của trẻ và lắp thêm nhiều trò chơi cho các cháu.
Với những nỗ lực trong sản xuất kinh doanh và tích cực trong hoạt động từ thiện, nữ giám đốc Hồng Thúy đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp trao tặng. Năm 2013, chị được UBND tỉnh trao Bằng chứng nhận “Doanh nhân Tiền Giang tiêu biểu”. Năm 2013, chị còn được nhận danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” - Cúp “Bông hồng vàng”... Chị vừa được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân TP. Mỹ Tho.
P. MAI