Thứ Hai, 05/05/2014, 15:40 (GMT+7)
.

Chuyện kể về 2 chiến sĩ Điện Biên

Đã gần 90 tuổi nhưng mỗi khi có ai nhắc đến Điện Biên Phủ hay dân công hỏa tuyến, ông Đỗ Cẩm Y (nguyên Trung đội trưởng, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304) và bà Hoàng Thị Hợp (nguyên cán bộ Trung đội, Đoàn Thanh niên xung phong Trần Hưng Đạo, Lạng Sơn) trở nên tươi trẻ lạ thường...

CƯỚI VỢ CHƯA ĐẦY 30 NGÀY, LÊN ĐƯỜNG RA TRẬN

Ông Đỗ Cẩm Y hiện sống trong ngôi nhà khá khang trang ở khu phố 8, phường 1, TX. Gò Công. Trên bức tường đã úa màu thời gian ở phòng khách, ông Cẩm Y dành nơi trang trọng nhất để treo những bức ảnh về thời trai trẻ tại ngũ năm xưa được họa lại và những đồng đội một thời cùng ông chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. “Ký ức với những đau thương, mất mát và hạnh phúc riêng, nhưng mỗi khi tôi nghĩ về nó dường như người trẻ lại” - ông  Cẩm Y chia sẻ.

Ông Đỗ Cẩm Y bên người vợ hạnh phúc.
Ông Đỗ Cẩm Y bên người vợ hạnh phúc.

Kể cho tôi nghe tên từng đồng đội trong ký ức của mình, khi kể nửa chừng, tôi thấy mắt ông đỏ hoe, hụt hẫng. “60 năm rồi, nay chỉ còn thưa thớt vậy” - ông quay sang tôi, nói với nét mặt u buồn.

Hơn 60 năm trước, đảng viên trẻ Cẩm Y là cán bộ xã của tỉnh Ninh Bình, năm 26 tuổi ông tình nguyện vào quân đội, ở Trung đoàn 66, thuộc Sư đoàn 304. Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, khi ấy ông cưới vợ chưa đầy 30 ngày, đã  cùng đồng đội ra trận, cả nước hướng về Điện Biên, cả nước dồn sức cho Điện Biên, không khí chiến đấu đang hừng hực.

Trung đội trưởng Cẩm Y nhớ lại: “Chuyện dài lắm, không có thời giờ kể hết, đại loại khi vào chiến dịch, bộ đội thiết lập xong hệ thống công sự vào đến đồi A1, C1, chúng tôi tiếp tục phát triển thành công sự trận địa theo từng tiểu đội, trung đội, đại đội... 

Hệ thống công sự trận địa lúc này chỉ một người lách qua, có chỗ ngập đầu người và được ngụy trang như mạng nhện. Với kiểu trận địa này, nếu ai không quen, không thông thuộc địa hình sẽ dễ bị lạc…
 Ông Y say sưa kể tiếp: “Khi đào công sự trận địa, nhiều ngày chúng tôi đã ăn, ngủ tại trận địa, thậm chí vừa ăn, vừa đánh Pháp. Địch phản kích dữ dội, có hôm cả xe tăng, lẫn pháo, cối ngày đêm thi nhau bắn xuống trận địa của ta như mưa.

Với khối lượng hơn 1 tấn thuốc nổ, đêm 6-5, khối bộc phá được kích nổ và hất tung đất, đá phủ kín toàn bộ Sở chỉ huy địch. Đến sáng ngày 7-5, bọn Pháp kéo cờ trắng và ra hàng.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông Đỗ Cẩm Y cùng đồng đội về luyện quân ở vùng Sở Kiện, tỉnh Hà Nam, tham gia lao động sản xuất. Năm 1958, trong đợt tổng duyệt binh để tiếp tục chiến đấu, ông Cẩm Y bị liệt vào danh sách mất sức chiến đấu vì bị sức ép của bom và mang chứng bệnh sốt rét rừng, nên được quân đội cho xuất ngũ về quê Ninh Bình làm Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp.

Năm 1986, vì lý do sức khỏe, ông Cẩm Y nghỉ hưu và quyết định cùng vợ là bà Võ Thị Thinh (hiện nay 94 tuổi) vào ở chung với đứa con gái trên mảnh đất Gò Công.

Ở cái tuổi đại lão, vào sống với đứa con gái và cháu ngoại, vợ chồng người chiến sĩ Điện Biên năm xưa cảm thấy hạnh phúc viêm mãn, nhất là những ngày tháng cả nước tưng bừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

KHÔNG SỢ BOM ĐẠN, CHỈ SỢ CỌP...

Nói về Chiến dịch Điện Biên Phủ, về dân công hỏa tuyến mà không nói đến những thiếu nữ mười tám, đôi mươi lên rừng gánh gạo, tải đạn, tải thương, mở đường cho bộ đội đánh giặc thì quả là thiếu sót. Bởi vậy, anh Hồ Văn Nhanh, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè đã đưa tôi đến gặp bà Hoàng Thị Hợp, 86 tuổi, nguyên Trung đội trưởng Đoàn Thanh niên xung phong (TNXP) Trần Hưng Đạo để hiểu rõ hơn về những gian lao, vất vả và nghị lực một thời của các nữ TNXP.

Cụ Hoàng Thị Hợp chăm sóc chồng.
Cụ Hoàng Thị Hợp chăm sóc chồng.

Gợi lại chuyện một thời “gian lao mà anh dũng”, ánh mắt bà Hợp sáng hẳn lên. Bà kể: “Ngày ấy, Đoàn TNXP chúng tôi gồm 3 đại đội, trong đó có 2 đại đội nam và 1 đại đội nữ. Ban đầu, mỗi người mang vác khoảng 20 kg, sau đó nâng dần lên 25 kg...

Năm 1949, Đoàn TNXP tập trung ở tỉnh Lạng Sơn rồi hành quân lên Tây Bắc để chuẩn bị bước vào chiến dịch. Phần đông chị em trong Đoàn đều xuất thân từ nông dân, tiểu thương, chỉ quen gánh nhẹ, đi đường bằng. Bởi vậy, khi nhập cuộc, phải gánh đêm, vượt qua núi cao, vực sâu, đá tai mèo, ngủ rừng, ăn uống kham khổ… nhiều người tưởng chừng không vượt qua được.

“Có chị, chiều tối thấy mấy anh bộ đội chặt lá rừng, tò mò hỏi mới biết chặt cành lá để trải xuống đất ngủ. Tối đầu, nhiều chị em sợ không ngủ được, nhưng những tối sau, đi mệt, cứ ngả lưng là ngủ, chẳng cần biết bên dưới lót lá hay là nền đất” - bà Hợp nhớ lại.

Gian nan bởi điều kiện địa hình, thời tiết khắc nghiệt, ăn uống chỉ ít cơm chấm với muối gừng, cá khô; rau xanh chủ yếu là vào rừng hái lá tàu bay và lá lốt, nên sức khỏe nhiều chị em giảm sút nghiêm trọng, có chị bị bệnh sốt rét hoành hành.

Trung đội trưởng Hoàng Thị Hợp nhớ lại: “Có những lần, trước lúc lên đường, một số chị em lên cơn sốt rét, người cứ run lên bần bật. Vậy mà các chị chỉ xin y tá vài viên thuốc ký ninh uống (loại thuốc điều trị sốt rét thời ấy), rồi nhất quyết xin đi cùng cả đội”.

Khi hỏi về hiểm nguy của người TNXP hỏa tuyến, bà Hợp kể: “Thật ra, bước ra mặt trận là chấp nhận hy sinh, không ai sợ bom đạn, nhưng sợ cọp. Ở tỉnh Sơn La thời ấy cọp nhiều lắm. Có lần mấy chị vào rừng sâu kiếm củi, hái lá rừng lâu quá không thấy về, khi đơn vị tổ chức đi tìm thì thấy chỉ còn đôi dép râu, bê bết máu, còn người không thấy đâu cả...”.

Cứ như vậy, Trung đội trưởng Hoàng Thị Hợp cùng đồng chí, đồng đội âm thầm nhiều tháng tải lương, tải đạn... ra mặt trận. Cho đến một ngày, họ được đồng đội tuyến trên truyền tin: Điện Biên Phủ đã giải phóng! Ngay lập tức, cả khu rừng trầm lặng ngày nào như vỡ òa bởi tiếng hò reo của hàng vạn dân công - những người đã đóng góp một phần không nhỏ vào chiến thắng oanh liệt.

Sau khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Hợp trở về công tác tại Cục Quản lý xe ở Hà Nội. Từ đây, người con gái TNXP năm xưa đã quen với chiến sĩ đặc công Nam bộ Võ Hữu Ký, kết hôn năm 1966. Năm 1982 bà Hợp nghỉ hưu.

Đại úy Võ Hữu Ký (chồng bà) đưa vợ con về quê xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè sinh sống. Cách nay khoảng 10 năm, ông Ký bị tai biến mạch máu não, mọi sinh hoạt không tự chủ, được bà Hợp cùng các con chăm sóc ông kỹ lưỡng trong niềm yêu thương khôn xiết.

LÊ HỒNG LÂM

.
.
.