Đào tạo nghề cho lao động: Những khó khăn từ thực tiễn
Đào tạo nghề là hoạt động lớn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm và dạy nghề được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện, công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh xuất hiện những khó khăn cần có giải pháp tháo gỡ.
KHÓ TUYỂN SINH HỌC NGHỀ
Hiện toàn tỉnh có 23 cơ sở dạy nghề cho lao động, đã được sự đầu tư khá lớn nhằm đổi mới và phát triển dạy nghề. Tuy nhiên, chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động của tỉnh qua mỗi năm đều không đạt chỉ tiêu.
Đối với hệ đào tạo cao đẳng và trung cấp nghề, mặc dù các trường đã cố gắng tư vấn, thông tin đến phụ huynh, học sinh nhưng kết quả tuyển sinh từ năm 2009 đến nay đều không đạt chỉ tiêu. Cụ thể, năm 2013 chỉ có 5 trường trong tỉnh tổ chức tuyển sinh, nhưng chỉ đạt 47,34% kế hoạch đào tạo của các trường này, trong đó Trường Trung cấp Nghề khu vực Cai Lậy chỉ tuyển được 25,7% chỉ tiêu kế hoạch.
Đan lát là một trong những nghề phi nông nghiệp phát huy hiệu quả giải quyết việc làm ở nông thôn hiện nay. |
Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dù cố gắng nhưng các trường cũng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu, mỗi trường chỉ đào tạo được trên dưới 200 học viên. Năm qua, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh chỉ tuyển sinh được hệ đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng. Tổng số học viên được đào tạo ở hệ này là 12.086 người, trong đó có 9.874 người học nghề dưới 3 tháng.
Đa số học viên được tuyển sinh tham gia học kỹ thuật nông nghiệp (4.238 người); số lao động học nghề phi nông nghiệp như may công nghiệp, sửa chữa máy may công nghiệp, hàn, tiện, điện dân dụng, tin học, lái xe, lái thuyền, đan lát… chiếm tỷ lệ thấp, chỉ đạt 36% trong tổng số lao động được đào tạo.
HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHƯA CAO
Kết quả giám sát, đánh giá của Sở LĐ-TB&XH về việc làm của lao động nông thôn sau khi tốt nghiệp 1 năm trở lên cho thấy: 81% lao động có việc làm sau học nghề, trong số này có 88% lao động làm việc đúng nghề đã học; thu nhập sau khi học nghề nông nghiệp tăng thêm do nâng cao hiệu quả sản xuất là 950.000 đồng/tháng và đối với các nghề phi nông nghiệp là 1,5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, trong số lao động nông thôn được đào tào nghề thì số người tìm được việc làm mới rất thấp, chỉ chiếm 16%; đa số học viên tự tạo việc làm. Trong số 2.452 học viên học nghề phi nông nghiệp, có 2.311 người có việc làm sau học nghề, trong đó chỉ có 913 người được tuyển dụng vào các doanh nghiệp, còn lại gần 1.400 người tự tạo việc làm.
Nghề hàn có 100% học viên sau đào tạo có việc làm và hiện tại thị trường lao động đang có nhu cầu lớn đối với nghề này, nhưng rất ít học viên theo học do công việc nặng nhọc. Trong khi đó, 100% lao động được đào tạo nghề nông, ngư nghiệp tự tạo việc làm.
May gia công là một trong những nghề phi nông nghiệp phát huy hiệu quả giải quyết việc làm ở nông thôn hiện nay. |
Đặc biệt, số lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề nhưng không tìm được việc làm còn khá nhiều. Trong năm 2013, toàn tỉnh có gần 6.700 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong số này có gần 900 người không tìm được việc làm.
Nguyên nhân chủ yếu là nghề được đào tạo thị trường lao động ít có nhu cầu và tay nghề của người lao động không đáp ứng được với yêu cầu thực tế công việc của nhà tuyển dụng… Trong khi đó, để đào tạo nghề cho gần 900 lao động này, ngân sách phải đầu tư không nhỏ.
Năm 2014, chỉ tiêu đào tạo của tỉnh là 1.965 sinh viên, học sinh hệ cao đẳng và trung cấp nghề; hệ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng tuyển 12.000 học viên, trong đó có 7.400 lao động nông thôn; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên 43%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 34,7%. Đây là những chỉ tiêu không dễ dàng thực hiện đạt nếu như không có sự quyết tâm và giải pháp đúng đắn, thiết thực.
Giải pháp được Ban Chỉ đạo tỉnh về Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm tỉnh đề ra là:
Tuyên truyền mục tiêu đào tạo nghề đến phụ huynh và học sinh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tư vấn trực tiếp tại các trường học và thông qua hệ thống đoàn thể; khuyến khích các trường liên kết với trung tâm dạy nghề có đủ điều kiện để đào tạo trung cấp nghề, giúp học sinh mới tốt nghiệp trung học cơ sở có điều kiện học nghề gần nhà;
Các cơ sở đào tạo nghề cần phối hợp với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để đào tạo nghề theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp có điều kiện tham gia dạy nghề và tuyển dụng lao động.
Kết quả điều tra cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh vừa qua cho thấy, hiện toàn tỉnh có 107.900 lao động đang làm việc tại 2.461 doanh nghiệp, trong đó 57,87% lao động không có tay nghề, 21,36% là công nhân kỹ thuật không có bằng cấp; các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng thêm hơn 10.700 lao động. Trong khi đó nguồn cung ứng lao động của tỉnh là không lớn. Toàn tỉnh có hơn 895.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó 98,96% đã có việc làm, còn lại số lao động thất nghiệp của tỉnh khoảng 9.200 người, đa số là lao động nông thôn. Do đó, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ giải quyết được vấn đề lao động thất nghiệp hiện nay. |
HẠNH NGA