Luôn xứng danh anh Bộ đội cụ Hồ
Ông Nguyễn Văn Tơ (phường 6, TP. Mỹ Tho) được nhiều người biết đến là “Người lính già viết sách chiến tranh”.
Ông sinh năm 1937, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
14 tuổi ông tham gia đội du kích xã với nhiệm vụ liên lạc, đến 1954 nhập ngũ tại Tiểu đoàn 309, đến 1954 ông tập kết ra miền Bắc tại Sư đoàn 308 và trở thành một sĩ quan pháo binh.
Vượt Trường Sơn, ông trở về Tây Ninh đảm nhận nhiệm vụ Chính trị viên Tiểu đoàn pháo binh. Trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau trong vai trò của một người lính, ông là nhân chứng sống của cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ông Tơ bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó không có dân là tôi đã chết, lúc chiến đấu tôi bị thương liệt tay chân chỉ còn có cái đầu là cử động được, bà con phải đem tôi giấu trong đám lục bình, đem từng ly sữa, viên thuốc cho tôi uống, chăm sóc tận tình…nhờ vậy sức khỏe của tôi được hồi phục để tiếp tục chiến đấu”.
Năm 1987 ông về nghỉ hưu tại gia đình. Từ đó đến nay, ông viết được 50 cuốn sách có giá trị để ghi lại những trang sử vàng, những chiến công về một chặng đường dài kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ.
Ông Tơ cho biết: “Tôi viết sách nhằm góp phần giúp thế hệ trẻ hiểu về lịch sử, hiểu về quá trình chiến đấu, sự hy sinh của ông cha mà ra sức phấn đấu nhiều hơn".
Ông Hoàng Thanh (phường 5, thị xã Gò Công), 17 tuổi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, với nhiệm vụ liên lạc tại Tiểu đoàn 305 Gò Công và sau đó trực tiếp tham gia các trận đánh đồn bót địch… góp phần làm nên những chiến công vang dội.
“Lúc đó, chúng tôi suy nghĩ đơn giản lắm là phải biết căm thù giặc, thấy giặc là đánh. Vì vậy, khi đủ lớn để đánh giặc là tôi cùng thanh niên trai tráng lên đường đánh giặc, không trực tiếp cầm súng thì cũng làm nhiệm vụ khác như: liên lạc, tiếp tế,…Thanh niên thời chiến tranh, loạn lạc mà trốn ở nhà thì xấu hổ lắm” - ông Thanh chia sẻ.
Ngày hòa bình, ông tiếp tục tham gia công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vừa tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa là tấm gương sáng để con cháu noi theo.
Giờ đây, dù đã bước sang tuổi 80 nhưng ông vẫn tiếp tục chiến đấu trên mặt trận mới, xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc, dạy dỗ con cháu.
Ông Thanh chia sẻ: “Lúc có chiến tranh thì mình phải chiến đấu để đánh giặc, bây giờ hòa bình thì mình cũng phải chiến đấu nhưng chiến đấu chống sự đói nghèo, chống các tệ nạn xã hội và nhất là phải biết cách răn dạy con cháu. Dạy làm sao để thế hệ sau hiểu về sự hy sinh, mất mát của các thế hệ ông cha đi trước, từ đó ra sức phấn đấu nhiều hơn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn”.
VĂN MINH