Thứ Sáu, 02/05/2014, 07:17 (GMT+7)
.

Má Lê Thị Khéo - chuyện bây giờ mới kể

Má Lê Thị Khéo đã trên tám mươi tuổi, hiện ngụ ấp Thái Hòa, xã An Thái Đông, huyện Cái Bè.
Nơi chôn nhau cắt rốn của má là vùng đất mà dân gian đã sản sinh ra câu hát “Tháp Mười nước mặn đồng chua/ Nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng”.

Là chị lớn của một gia đình nghèo, đông em nên tuổi thơ của má Lê Thị Khéo là những buổi lặn ngụp ở đồng sâu cắt ngó sen, nhổ bàng, giăng câu bắt cá để đổi gạo; là những đêm thâu kẻo kẹt nhịp võng ru em: “Ầu ơ… muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm. Ầu ơ… Ai ơi về tới Tháp Mười/ Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn…”.

Câu ca là vậy, nhưng cô bé Khéo phải “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” để đổi lấy những gì thiên nhiên sẵn có. 17 tuổi, cô Khéo đã thể hiện sức khỏe “bẻ gãy sừng trâu” bằng công việc đồng áng của đàn ông: cùng đôi trâu cày, bừa trên ruộng.

Má hồi tưởng: “Lúc ấy làng Đốc Binh Kiều (Đồng Tháp) là vùng kháng chiến, bộ đội thường về. Nghe nói có con gái đang cầm cày ngoài đồng, mấy anh hiếu kỳ ra xem. Má mắc cỡ quá, không cày nữa, thả trâu rồi đi vòng đường tắt trốn về nhà. Lúc ấy ba tụi nhỏ đã tham gia kháng chiến, thỉnh thoảng cũng về đây, nghe tiếng má giỏi giang nên nhờ người mai mối. Năm đó má hai mươi tuổi.

Làng kháng chiến bị bom pháo và địch càn quét ráo riết, buộc ông bà ngoại đã đưa cả nhà tản cư vô Gò Tháp và làm tuyên bố cho ba má ở đó luôn”. Nhắc đến đám cưới, má cười: “Gần ngày tuyên bố, ba má chồng mua đồ cưới ngoài Cái Bè mang vô định cho con dâu, ai ngờ dọc đường bị lính tịch thu hết ráo. Bà ngoại phải nhờ người mua gấp hai thước mấy vải chăn đầm về cắt bộ bà ba may tay cho con gái mặc mà ra mắt ba má chồng”.

Má Lê Thị Khéo và con gái Nguyễn Thị Huỳnh Mai (đứa con má sinh trong tù).
Má Lê Thị Khéo và con gái Nguyễn Thị Huỳnh Mai (đứa con má sinh trong tù).

Sau đám tuyên bố, má theo ba làm giao liên. Khi tổ chức cần cơ sở ở huyện Cái Bè, má chuyển về chợ Cổ Cò vừa hoạt động, vừa học may rồi mở tiệm may để che mắt địch. Vào tổ chức, má có bí danh là Bùi Thị Thanh. Để nắm bắt thêm tình hình của địch, đến mùa trái cây má mua tại gốc rồi đi xe đò lên Sài Gòn bỏ cho các sạp bán ở chợ.

Vào những năm giữa thập niên 50, ấp Chợ (bên này sông Cổ Cò của xã An Thái Đông) là vùng địch tạm chiếm, bên kia sông là ấp Đông Thạnh (xã An Thái Đông là vùng kháng chiến); bên này ấp Chợ có động tịnh gì thì má ra ám hiệu, giặc càn hướng nào má cầm đèn đi hướng đó. Mươi bữa, nửa tháng có người bơi xuồng ra rước má vào vùng giải phóng, lúc ấy má làm theo lệnh của hai người lãnh đạo có bí danh là Trần Công và Sáu Dũng.

Cô Năm Kim Hồng (Thái Thị Kim Hồng, quê xã Long Khánh, huyện Cai Lậy; nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang) đang bị địch theo dõi, nên tổ chức đã gởi ở nhà má giả làm học trò học may, được vài tháng địch đánh hơi, cô Năm được tổ chức tiếp tục đưa đi nơi khác.

Chồng má là Nguyễn Thành Liêm, bí danh Nguyễn Văn Ba, làm nghề chích thuốc dạo vừa kiếm sống, vừa che mắt địch để tiếp tế thuốc men cho cách mạng. Một thời gian sau đó, má kiêm thêm việc mua thuốc Tây từ Sài Gòn đem về tiếp tế. Nhiều lần má cùng em gái của mình bơi xuồng chở trấu, bên dưới giấu thuốc Tây từ Cái Bè bơi dọc sông Cổ Cò về Đồng Tháp, mỗi chuyến đi và về 2 ngày.

Được mấy chuyến an toàn, một lần bơi qua đồn ông Hưng (hiện nay là cầu Ông Hưng, xã Mỹ Đức Đông), thấy mấy chị, bọn lính kêu lại, lên xuồng chọc ghẹo. Một thằng vừa tán tỉnh má vừa gõ ba ton xuống mặt trấu, xui là chỗ đó má giấu thuốc chai, nên nó gõ một hồi lún trấu, thế là bại lộ. Em gái thứ sáu của má là người Đồng Tháp nên bị chúng đưa về đó xử, còn má chúng giải về quận Cái Bè (nay là huyện Cái Bè).

Mấy ngày liền má bị địch tra tấn dã man, chúng quậy nước với xà phòng ép má uống đầy bụng rồi đạp lên bụng cho ói ra (lúc đó má đang cấn bầu, nhưng kỳ diệu là thai không sao). Không lấy được thông tin, chúng đưa má về khám Mỹ Tho nhốt ở phòng số 9 chung với gần 50 nữ tù chính trị, đó là những tháng cuối năm 1960. Má rất mừng vì nhận ra cô Năm Kim Hồng, nhưng cô Kim Hồng đã nhanh chóng nhờ bạn tù dặn má đừng nhận cô là người quen vì cô Kim Hồng đang bị tình nghi là cán bộ cách mạng. Má lại tiếp tục bị hỏi cung, từ ngọt ngào đến roi vọt.

Đợi lúc thuận lợi, cô Kim Hồng mới cho má biết là khi lính đến nhà lúc nửa đêm, lôi cô Năm ra ngoài sân kề súng vào mang tai mà bắn chỉ thiên rồi xô lên xe bít bùng đem về đây nên ở nhà không biết cô ở đâu, sống hay chết. Cô cho biết, có một người anh họ tên là Bỉnh hay đi thu tiền điện ở khu vực này, vậy là má trổ tài móc nối. Vài ngày sau, gia đình cô Kim Hồng thăm nuôi nhưng lấy tên họ và số tù của má, bọn cai tù thắc mắc vì sao một ngày tới 2 người thăm nuôi. Má bảo, một là bên ngoại, một là bên nội của tụi nhỏ vô thăm.

Cái thai lớn dần nên chúng cũng giảm khảo tra má. Lúc ấy Năm Kim Hồng bị chúng đánh đập nhiều lắm. Má được thoải mái hơn nên thường cận kề chăm sóc cô Kim Hồng, sau đó chúng đem cô đi đâu không rõ. Má thở dài, nhắc lại: “Sau này má ra tù, có lần gặp lại, cô Năm rất mừng và cho biết do bạn tù đấu tranh buộc chúng phải đưa cô đi chữa bệnh và thả ra vì không chứng cứ. Sau đó cô Năm tiếp tục tham gia cách mạng và anh dũng hy sinh…”.

Trở lại chuyện trong tù, má bùi ngùi kể tiếp: “Má rất khâm phục sức chịu đựng và tinh thần kiên cường của cô Năm, tự nhủ trong hoàn cảnh nào mình cũng phải chịu đựng như vậy!”.

Rồi một đêm chớm thu, khi những chiếc lá vàng ngoài song sắt lả tả cuốn theo chiều gió, má chuyển dạ và hạ sinh ra một bé gái. Tiếng khóc của trẻ thơ làm bốn bức tường lạnh lẻo như ấm lại và bừng lên sức sống. Má đặt tên con gái là Huỳnh Mai (vì nhớ anh du kích hay hát về cây huỳnh mai ở nhà má Sáu). Bé Mai lớn lên trong vòng tay của những người nữ tù cách mạng.

Má Khéo lại nghẹn ngào: “Tội nghiệp 4 đứa nhỏ chiu chít ở nhà, 2 đứa gởi bên nội, 2 đứa về bên ngoại. Má cầu trời cho tụi nhỏ mạnh khỏe và má mau được thả ra để về với con mình. Ở trong tù, mấy chị dạy cho má thêu khăn, thêu gối. Nhớ tụi nó quá, má làm mấy câu thơ thêu trên áo gối: Thắm thoát xa quê đã năm trời/ Chạnh lòng thương nhớ, nhớ con thơ/ Sớm hôm tựa cửa trông con trẻ/ Hy vọng đoàn viên Tết Nhâm Dần (1962)”. Và ước mơ của má thành sự thật, không moi được má thông tin nên tháng 4-1962 má được thả ra. Lúc ấy Huỳnh Mai vừa được 9 tháng tuổi.

Má trở về với nghề may vá, mua bán trái cây để nuôi 5 đứa con nhỏ. Lắng đọng một thời gian, địch không còn theo dõi, má lại tiếp tục công việc của một cơ sở cách mạng, vẫn dò la tin tức của địch ở Cái Bè để kịp thời báo cho tổ chức. Nhà má sát mé sông, có lần má đón bộ đội sang sông Cổ Cò, ém quân trong nhà để phục kích, đánh bót…

Được ít năm, ba bị bắt khi đang tiếp tế thuốc, má phải một mình tần tảo nuôi con, vừa lo hoàn thành nhiệm vụ, vừa tìm cách để ba đỡ bị khảo tra…
*     *
*
Nắng đã chếch hiên nhà, vài giọt nắng nghiêng qua mái tóc trắng ngần của má và soi rõ những vết chân chim bên đôi mắt như dấu ấn thời gian. Má ngừng kể, cúi nhìn và lẩm nhẩm đọc tên mình trên tấm Huy chương “Vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”.

NGỌC LỆ

.
.
.