Ở một xã có 36 mẹ Việt Nam anh hùng
Trong 613 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) của tỉnh Tiền Giang vừa được công nhận, Châu Thành có 80 mẹ, trong đó xã Bình Trưng có 19 Mẹ VNAH được vinh danh. Nâng đến nay xã có 36 Mẹ VNAH.
Đi trên mảnh đất Bình Trưng hiền hòa, xinh đẹp, con đường rộng rãi, khang trang, những cây cầu chắc chắn, khó có ai nghĩ nơi này đã từng là một địa bàn chiến đấu ác liệt, bom đạn tàn phá. Trong 2 cuộc kháng chiến, Bình Trưng nằm trên tuyến hành lang chiến lược giữa 2 miền Đông và Tây Nam bộ, là nơi bảo bọc, là chỗ mà các cơ quan chỉ huy, lãnh đạo tìm đến, để từ đây phát ra các tín hiệu chỉ đạo cuộc kháng chiến.
Thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp giải phóng đất nước đã mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho hàng chục triệu con người. Nhưng với Bình Trưng xen lẫn trong niềm tự hào còn có nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp được. Đi về bất cứ một xóm, ấp nào ở xã Bình Trưng, bước vào nhà các mẹ sẽ bắt gặp hình ảnh quen thuộc: Trên bàn thờ là tấm ảnh của người quá cố, nơi vách tường là những tấm bằng “Tổ quốc ghi công” và những huân chương các loại.
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Hai, |
Theo chân anh Võ Thanh Tòng, cán bộ Lao động - Thương binh và xã hội, tôi đến nhà mẹ Nguyễn Thị Hai, 1 trong 2 mẹ còn sống được vinh danh tại huyện Châu Thành đợt này, nay đã 93 tuổi nhưng trông mẹ vẫn còn minh mẫn.
Ngồi trước bàn thờ, tay mẹ cầm di ảnh 2 người con, tay lau nước mắt, mẹ kể lúc ấy chiến tranh ác liệt lắm. Vào những đêm Mỹ - ngụy đi càn quét, mẹ phải bồng bế các con đi trốn. Tưởng chừng bao gian khổ ấy sẽ làm lung lay ý chí của mẹ, nhưng mẹ đã không sợ mà còn nuôi giấu cán bộ, lo cho cán bộ từng nắm cơm, từng chén nước. Khi các con trưởng thành, mẹ đã động viên và cho các con thoát ly gia đình tòng quân giết giặc.
Mẹ có 3 người con trai, trong đó 2 người tự nguyện theo con đường cách mạng: Người đi bộ đội, người theo du kích. Các anh đi chiến đấu ngoài chiến trường, ở nhà mẹ vẫn tiếp tục nuôi giấu đồng chí, đồng đội của các anh. Năm 1968, người con trai đầu của mẹ, anh Mai Văn Hóa đã hy sinh ở chiến trường miền Đông. Đến năm 1972, anh Mai Văn Tươi cũng đã ngã xuống… Mẹ nuốt nước mắt vào lòng, biến đau thương thành sức mạnh, tiếp tục phục vụ cho cách mạng.
Thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, xã Bình Trưng đã chăm lo, giải quyết các chế độ chính sách cho các mẹ như là một cách biểu thị lòng tri ân. Hàng năm, chính quyền, đoàn thể tổ chức viếng các mẹ đã mất và đặc biệt quan tâm, lo toan, chăm nom các mẹ còn sống. Trong dịp 27-7, lễ, tết, chính quyền xã luôn đến thăm hỏi và tặng quà cho các mẹ.
SƠN LÂM