Thứ Sáu, 23/05/2014, 20:05 (GMT+7)
.

Thương lắm "thân cò"

Cả buổi sáng chèo xuồng len lỏi qua các tuyến kinh rạch, ngâm mình dưới dòng nước lạnh bắt ốc bán cho người đi giăng câu, chị Lê Thị Hai (sinh năm 1969, ngụ ở ấp 3, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy) chỉ có thể kiếm khoảng 30 ngàn đồng. Với nhiều người, đó là số tiền không lớn, nhưng với chị là nguồn sống của 2 mẹ con gần chục năm nay. 

5 giờ sáng, khi những căn nhà xung quanh vẫn còn kín cửa, nằm im lìm trong sương sớm, chị Lê Thị Hai đã bắt đầu một ngày mưu sinh với chiếc xuồng, mớ rổ, thau xuôi theo con kinh nhỏ trước nhà.

Cùng thời gian đó, cậu con trai Trần Minh Trung cũng ăn vội bữa cơm sáng đạm bạc được mẹ chuẩn bị sẵn và sửa soạn cặp sách đến trường (Trung học lớp 9A3 Trường THCS Thạnh Lộc. Nhà cách trường gần nửa tiếng đi bộ nên ngày nào Trung cũng phải dậy thật sớm để kịp giờ vào lớp.

Năm con trai lên 7 tuổi, chồng chị Hai nằm liệt giường sau cơn tai biến. Gánh nặng gia đình dồn lên vai người phụ nữ gầy gò, tật nguyền. Một tai nạn lúc nhỏ làm chị hỏng một mắt, mắt còn lại cũng mờ dần khiến sức lao động hạn chế.

Rồi chồng mất, căn nhà thấp nhỏ, tuềnh toàng đổ sập sau nhiều năm chống chọi với mưa nắng, mẹ con chị ở tạm chái nhà cha mẹ ruột. Nhà cha mẹ chị cũng nghèo, không đất canh tác nên quanh năm ông bà đi làm thuê, qua vụ lúa thì đi giăng câu, đặt trúm kiếm bữa ăn hàng ngày, chỉ có thể bảo bọc cho con một nơi ở tạm bợ. Hết làm thuê lặt vặt, chị Hai chuyển sang giũ rơm, cạo vỏ hột điều.

Rồi công việc cũng ít dần và trở nên quá sức với sức khỏe của mình, chị bắt ốc bán cho những người giăng câu. Không sáng sớm thì chiều muộn, canh con nước ròng, chị chèo xuồng đi bắt ốc. Mỗi ký ốc được mua với giá 1.000 đồng, hôm nào không kiếm được nhiều, chị lại giăng câu kiếm thêm vài con cá cho bữa cơm của 2 mẹ con.  

Cái nghèo đeo đẳng, phải chạy ăn từng bữa, nhưng chị Hai vẫn quyết tâm cho con đến lớp. Học muộn hơn các bạn 2 năm, sức khỏe kém, thị lực hạn chế nên Trung gặp nhiều khó khăn trong học tập. Dù vậy, em vẫn đều đặn đến trường.

Hết giờ học, Trung về nhà phụ mẹ bắt ốc, đi soi, cắm câu để có thêm chi phí sinh hoạt hàng ngày. Có hôm không thu hoạch được gì, bữa ăn của 2 mẹ con chỉ là cơm trắng với rau luộc hay gói mì tôm. Chị Hai ngậm ngùi: “Suốt 2 năm học, cảnh nhà quá khó khăn nên tôi chỉ có thể mua cho con một bộ đồ để đến trường.

Chuyện tập, sách đã có nhà trường hỗ trợ. Sức khỏe Trung yếu từ nhỏ nhưng ham học. Nhiều hôm, thấy con đến trường với bụng đói, về đến nhà lả người, tôi buồn đến không ngủ được. Mắt Trung không nhìn rõ chữ từ nhiều năm nay, nhưng tôi cũng không có điều kiện đưa con đi khám. Đời tôi ít chữ, khổ nhiều rồi, chỉ mong con mình bước vào đời bằng một cái nghề nuôi sống bản thân”.

Gần 10 năm, rổ ốc của người mẹ quê nghèo mỗi ngày đầy vơi theo con nước nuôi con chữ cho con. Những lúc đơn độc giữa dòng nước trên chiếc xuồng nhỏ bé trong sương sớm hay đêm tối, hẳn ngọn lửa dẫn đường trong tim chị chính là tương lai của con mình.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.