Vượt qua nghịch cảnh
Khuyết tật đôi chân từ nhỏ sau cơn sốt bại liệt, anh Nguyễn Văn Văn (ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) đã nỗ lực vượt qua khó khăn để vun đắp mái ấm gia đình hạnh phúc. Bao năm nay, người đàn ông tật nguyền này đã miệt mài lao động bằng đôi bàn tay cần cù để làm tròn vai trò trụ cột gia đình.
Anh sinh năm 1966, trong 1 gia đình nghèo ở ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy. Năm lên 2 tuổi, cơn sốt ác tính đã làm đôi chân anh Văn mất khả năng vận động. Cha mẹ nặng gánh mưu sinh để nuôi 5 người con khôn lớn. Các anh chị, bạn bè đồng trang lứa lần lượt cắp sách đến trường, tiếp xúc với bao điều mới lạ.
Còn anh, ước mơ con chữ đã cho anh thêm ý chí vượt qua mặc cảm, tập đứng vững và di chuyển bằng đôi nạng gỗ, đôi tay khỏe mạnh thuần thục chèo xuồng để có thể tự mình đến lớp. Suốt những năm ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, thầy cô, bạn bè đều dành tình cảm đặc biệt và sự nể phục tấm gương vượt khó của Văn. Lên THPT, trường học quá xa nhà nên anh Văn đành gác lại ước mơ học hành, tìm 1 cái nghề nuôi sống bản thân.
Biết anh có niềm đam mê đặc biệt với các thiết bị điện tử, người anh ruột đưa anh lên TP. Hồ Chí Minh học thí công ở một cơ sở sửa chữa điện tử. Siêng năng, kỹ tính nên anh thạo nghề khá nhanh dù khiếm khuyết về cơ thể khiến anh gặp không ít thiệt thòi so với người khác. Hơn chục năm ròng, căn tiệm nhỏ ở chợ Bà Tồn (xã Mỹ Thành Nam) đã giúp anh tự lực trong sinh hoạt và vun đắp cho mái ấm riêng.
Trong những lần về thăm dì ruột ở xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, Lê Thị Hoa đã cảm mến sự chăm chỉ, thật thà của chàng trai tật nguyền. Lễ cưới của anh chị được tổ chức đơn sơ nhưng ấm cúng. 2 đứa con lần lượt chào đời trong cảnh nhà đầm ấm. Thời gian rảnh, anh Văn tranh thủ mài mò tìm hiểu để làm quen với những thiết bị điện tử mới, hy vọng có thể từ đôi tay chăm chỉ giúp cuộc sống của gia đình đỡ vất vả hơn.
Bước đường mưu sinh của anh Văn cũng lắm gian nan, thử thách. Cách đây mấy năm, phải trả lại mặt bằng nên anh đành đóng cửa tiệm và đưa gia đình về ấp 5, xã Mỹ Thành Nam dựng tạm căn nhà trên phần đất của người chị ruột. Không gần khu vực chợ, vất vả trong khâu nhận và giao hàng, nhưng anh vẫn quyết gắn bó với nghề.
Tuy nhiên, khi những thiết bị điện tử ngày càng tối tân, hạn chế về điều kiện nâng cao tay nghề nên thu nhập của anh Văn không còn ổn định như trước. Vợ anh mỗi ngày phải tranh thủ đi làm thuê để phụ chồng trang trải chuyện áo cơm. Thời gian còn lại, anh chị trồng rau, nuôi vịt, nhận lột vỏ hột điều kiếm thêm thu nhập để lo cho 2 con học hành.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, anh Văn lạc quan: “Mong ước hiện tại của tôi là có điều kiện nâng cao tay nghề, có thể cùng vợ lao động, dành dụm lo cho 2 con ăn học, xa hơn là có được nơi ở ổn định”.
Nhìn anh tỉ mẩn sửa những món đồ để kịp giao cho khách, mới thấy hết sự miệt mài lao động của người đàn ông giàu nghị lực. Tin rằng, với đôi tay cần cù và tinh thần lạc quan, anh Văn vẫn tròn vai trò trụ cột gia đình dù còn nhiều khó khăn phía trước.
TRƯỜNG GIANG