Công bố xếp hạng địa phương về thực hiện quyền trẻ em
Sáng 17-6, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) công bố xếp hạng địa phương về thực hiện quyền trẻ em năm 2013. Theo công bố, Long An là tỉnh đứng đầu và Lai Châu là tỉnh đứng chót bảng xếp hạng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em và dựa vào đó xây dựng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991, sửa đổi bổ sung năm 2004.
Hiện nay, cả nước đang thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020 với mục tiêu tổng quát “Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em; từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng, miền; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em”.
Nhằm hỗ trợ cải thiện việc theo dõi và đánh giá thực hiện quyền trẻ em tại các tỉnh thành phố, năm 2013, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu chính sách phát triển bền vững, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu và tổ chức xếp hạng địa phương về thực hiện quyền trẻ em.
Mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng được một Bộ chỉ số mang tính khoa học, khách quan, thiết thực và cụ thể nhằm cung cấp cho cán bộ lãnh đạo các cấp, các tổ chức trong nước, quốc tế, công chúng những thông tin tổng thể và cụ thể về kết quả thực hiện quyền trẻ em tại 63 tỉnh, thành phố.
Bộ chỉ số được thiết kế bao gồm 1 chỉ số tổng hợp (PCRI), 5 chỉ số trung gian (I1-I5) và 20 chỉ số con phản ánh 5 lĩnh vực quan trọng thực hiện quyền trẻ em.
Theo kết quả được công bố, với chỉ số trung gian I1 (mức độ quan tâm của địa phương cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em), tỉnh được xếp hạng đầu tiên là Long An, tiếp đến Kon Tum, Thái Nguyên, Cao Bằng. Trong khi đó, các tỉnh thành lớn trong cả nước thì xếp hạng khá khiêm tốn: TP Hồ Chí Minh xếp thứ 5, TP Đà Nẵng xếp thứ 58, TP Hà Nội đứng gần chót bảng với vị trí 61.
Với chỉ số trung gian I2 (mức độ chăm sóc trẻ em), dẫn đầu là TP. Hồ Chí Minh, tiếp theo đó là Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương. Các tỉnh miền núi, có hoàn cảnh khó khăn xếp cuối bảng xếp hạng lần lượt từ cuối lên là: tỉnh Lai Châu, Kon Tum, Hà Giang, Điện Biên.
Với chỉ số trung gian I3 (mức độ thực hiện công tác bảo vệ trẻ em), dẫn đầu trong chỉ số này là Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Long An, Hưng Yên; đứng cuối bảng xếp hạng là Bắc Kạn, Lai Châu và Bình Thuận.
Với chỉ số trung gian I4 (mức độ đảm bảo sự tham gia của trẻ em), nhóm chuyên gia thống nhất gán cho cả 63 tỉnh/ thành phố cùng một giá trị trung bình là 50 điểm bởi nhóm nghiên cứu chỉ thu được duy nhất 01 chỉ số, kết quả thu được cũng không nhất quán.
Với chỉ số I5 (mức độ đảm bảo sự phát triển của trẻ em), dẫn đầu bảng xếp hạng với chỉ số này là tỉnh Thái Bình, tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình; đứng cuối bảng xếp hạng lần lượt là Bạc Liêu, Ninh Thuận, Cà Mau.
Từ 5 chỉ số trung gian trên nhóm nghiên cứu đã tổng hợp PCRI của các tỉnh/ thành phố. Theo đó, 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về thực hiện quyền trẻ em năm 2013 xếp theo thứ tự gồm: Long An, TP Hồ Chí Minh, Thái Bình, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định.
10 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng lần lượt từ cuối lên gồm: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Sơn La, Quảng Trị, Lào Cai, Gia Lai.
Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, kết quả xếp hạng các tỉnh/thành phố là tiền đề vững chắc để tiếp tục thực hiện và hoàn thiện Bộ chỉ số này trong những năm tới, góp phần nâng cao kết quả, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cả nước.
(Theo dangcongsan.vn)