Thứ Hai, 09/06/2014, 09:17 (GMT+7)
.

Công giáo Tiền Giang: Nêu cao tinh thần hòa hợp đạo và đời

Thực hiện tốt vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã quy tụ được các tầng lớp nhân dân cùng tham gia xây dựng quê hương. Với tinh thần đồng hành cùng dân tộc, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã tích cực thực hiện các phong trào do Mặt trận Tổ quốc phát động, mang lại hiệu quả to lớn trong đời sống xã hội.

TÍCH CỰC XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA

Toàn tỉnh hiện có gần 50 giáo xứ và giáo điểm, với khoảng 52.000 giáo dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban MTTQ phát động đến nay đã tròn 18 năm. Trong suốt thời gian qua, Công giáo đã tích cực hưởng ứng phong trào này. Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã tổ chức phát động đồng bào giáo dân hưởng ứng phong trào bằng những việc làm thiết thực, mang lại hiệu quả tích cực trong đời sống.

 Quán cơm 2.000 đồng là mô hình mới về chăm lo cho người nghèo của Công giáo Tiền Giang.
Quán cơm 2.000 đồng là mô hình mới về chăm lo cho người nghèo của Công giáo Tiền Giang.

Các giáo xứ tích cực vận động giáo dân tham gia lao động sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện đời sống. Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương đồng bào công giáo cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất - kinh doanh, vượt khó thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Trong sản xuất nông nghiệp có kỹ sư Nguyễn Thành Lộc, một giáo dân đã lai ghép thành công giống sầu riêng Mon-thoong, giống sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trên đất Ngũ Hiệp và các xã khác ở huyện Cai Lậy.

Trong phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất của người công giáo dẫn đầu cả tỉnh trong việc phát triển làng nghề, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Chỉ riêng HTX Quang Minh ở TP. Mỹ Tho đã giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động tại xưởng và hơn 3.000 lao động tại gia đình.

Với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 2 - 3 triệu USD mỗi năm, HTX Quang Minh là đơn vị lá cờ đầu về hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của tỉnh và là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín trong toàn quốc.

Từ việc tích cực lao động sản xuất - kinh doanh, chất lượng cuộc sống của đồng bào công giáo ngày một nâng lên, có điều kiện ủng hộ xây dựng nhiều công trình phúc lợi ở địa phương và tham gia tích cực công tác từ thiện - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương.

Linh mục Phạm Thanh Minh, Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo tỉnh cho rằng: “Sở dĩ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được đồng bào Công giáo đón nhận và ủng hộ là bởi tính thiết thực của nó. Qua đó đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa những người dân với nhau, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng.

Đồng bào giáo dân luôn quan tâm sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Một trong những hoạt động nổi bật của đồng bào Công giáo tỉnh nhà thời gian qua là công tác xã hội hóa giáo dục và từ thiện - xã hội”.

CÙNG CHĂM LO PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC

Công giáo đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh nhà. Hoạt động khuyến học, khuyến tài của đồng bào Công giáo rất mạnh. Các họ đạo, giáo xứ luôn quan tâm, khuyến khích con em học tập tốt. Công tác khuyến học, khuyến tài còn được thực hiện rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Trung bình mỗi năm, đồng bào Công giáo trong tỉnh đóng góp trên 2 tỷ đồng cho hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, đồng bào công giáo đã đóng góp xây dựng nhiều ngôi trường phục vụ nhu cầu đến lớp của trẻ. Theo thống kê của Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh, toàn tỉnh có 9 trường mầm non dân lập, nhiều nhóm trẻ nằm rải rác ở các huyện và 1 trường nuôi dạy trẻ khuyết tật miễn phí do các nữ tu quản lý, góp phần cùng với tỉnh trong công tác chăm lo giáo dục.

Dòng nữ tu thánh Phao Lô là dòng thánh quản lý Trường Khuyết tật Nhân Ái và nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh. Theo Giám tỉnh Trần Thị Phụng, “Phụ trách trường, lớp, ngoài các nữ tu đã qua đào tạo chuyên môn, giáo viên chúng tôi tuyển vào dạy ở các trường đều phải đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và đáp ứng tiêu chí về văn hóa ứng xử, đạo đức, lối sống. Các cô luôn xem công việc dạy dỗ và chăm sóc trẻ là việc làm cao quý, xem học sinh như con và lớp học là tổ ấm của bé. Trong mỗi hoạt động giáo dục, chúng tôi luôn vận dụng phương pháp giáo dục sáng tạo, giúp trẻ tự tin, hoạt bát, phát triển trí tuệ và hình thành kỹ năng sống tích cực”.

Chính sự yêu nghề, mến trẻ của giáo viên và phương pháp giáo dục khoa học của các trường Nhà dòng từ nông thôn cho tới thành thị đều được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao về chất lượng giáo dục. Trong năm học vừa qua, những ngôi trường của nữ tu đã nuôi dạy gần 3.000 trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, giúp phụ huynh an tâm công tác và lao động sản xuất.

Theo Linh mục Phạm Thanh Minh, thông qua vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Ủy ban MTTQ tỉnh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã tích cực trong việc tập hợp, đoàn kết tôn giáo, vận động giáo dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nêu cao gương sáng về sự hòa hợp giữa đạo và đời.

THỦY HÀ

.
.
.