Gia đình chú Lê Văn Ba: Gia tài quý nhất là các con nên người
Đó là câu nói đầu tiên mà cô chú Lê Văn Ba - Trương Thị Ánh Nguyệt (ngụ ấp Bình Long, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo) nói với chúng tôi khi chúng tôi đến thăm nhà. Dù phải trải qua những ngày tháng hết sức khó khăn nhưng vợ chồng chú vẫn quyết tâm không để 4 đứa con của mình thất học. Chính sự gương mẫu trong cuộc sống của bậc làm cha, làm mẹ đã giúp cho con cái của họ thành đạt như ngày hôm nay.
Đưa chúng tôi đi tham quan 8 công thanh long đang cho trái, chuồng bò với 2 con bò thịt, chú Lê Văn Ba bộc bạch: “Vợ chồng tôi sống với nhau đã tròn 40 năm ở vùng đất nghèo khó này. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vất vả trăm bề. Vì vậy, vợ chồng tôi cố gắng lao động sản xuất để lo cho con đi học thì cuộc đời mới thoát khổ được”.
Cô chú cùng đứa cháu ngoại đang xem hình ảnh gia đình. |
Không phụ lòng ba mẹ, 4 người con của cô chú đều học rất giỏi và ngoan ngoãn. Trong căn nhà mới được xây dựng khá khang trang treo nhiều bằng khen, giấy khen, hình ảnh, sách vở được trưng bày hết sức cẩn thận.
Cô chú kể cho chúng tôi nghe về các con của mình như minh chứng cho một tài sản lớn nhất của cuộc đời: Con thứ hai Lê Quang Chiểu tốt nghiệp Đại học Bách khoa, đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh; con thứ ba Lê Thị Huỳnh Như tốt nghiệp Cao đẳng Y tế; con thứ tư Lê Văn Hữu vừa làm vừa học Thạc sĩ Công nghệ thông tin tại TP. Hồ Chí Minh; còn con út Lê Thanh Hải tốt nghiệp đại học, đang là giáo viên Trường THCS Tân Hòa, huyện Gò Công Đông. Các con dâu, rể cũng là những kỹ sư, thạc sĩ.
Nói đến công lao to lớn này, cô Nguyệt nhường hết cho chú Ba: “Con cái được như ngày hôm nay là nhờ công lao của ông ấy đó! Lúc túng quẫn, cô chú đã quyết định bán hết vật liệu đã tích cóp mua để dự định sửa nhà. Thời gian rất lâu sau cô chú mới có điều kiện sửa nhà”. Tuổi gần 60, cô chú vẫn miệt mài chăm sóc vườn thanh long. Cô Nguyệt tự hào: “Kỹ thuật trồng là do các con về hướng dẫn nên vườn thanh long mới xanh tốt”.
Những tháng ngày gian khó đã qua. Ngồi nhìn lại quá khứ, cô chú đều tự hỏi không biết lấy đâu ra sức khỏe và nghị lực nuôi 4 con vào đại học trong điều kiện vô cùng gian nan, vất vả để ngày hôm nay có được niềm hạnh phúc vô bờ. Đáng quý hơn ở gia đình hiếu học này là không chỉ tỏa sáng về tri thức mà còn cùng vun đắp tình yêu thương, gắn kết giữa các thành viên.
Trong gia đình, chú Ba, cô Nguyệt luôn dạy con mình hòa thuận, đùm bọc, yêu thương nhau và đối với hàng xóm phải có tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng giúp đỡ khi khó khăn. Sự gương mẫu trong cuộc sống và coi trọng học vấn của gia đình chú Ba là hình mẫu để các gia đình khác học tập, noi theo.
P. MAI