Sự ra đời của Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam
Ngày 6 tháng 6 năm 1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc ra Lời kêu gọi "Kính cáo đồng bào" và "Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão".Từ đó đến nay trải qua các cuộc trường kỳ kháng chiến, cũng như trong xây dựng đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, phong trào "Đoàn kết toàn dân" "đoàn kết các bậc phụ lão" ngày càng phát triển; với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã tạo ra nguồn lực to lớn, mạnh mẽ; là một trong những nhân tố góp phần quyết định thắng lợi các nhiệm vụ trong từng đoạn cách mạng của dân tộc.
Từ nguyện vọng tha thiết của lớp người cao tuổi trong cả nước; sự quan tâm sâu sắc, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến to lớn trong suốt 65 năm chiến đấu và xây dựng đất nước của lớp người cao tuổi Việt Nam; theo đề nghị của Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam (khoá III), ngày 26 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 772/QĐ-TTg: Lấy ngày 06 tháng 6 hàng năm là "Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam".
Tiếp đó để khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam, đồng thời thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong xã hội, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá XII) đã ban hành Luật người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2009. Điều 6 của Luật đã ghi rõ: "Ngày 06 tháng 6 hàng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam"
Như vậy, từ năm 2010, ngày 06 tháng 6 hàng năm là Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam, đồng thời cũng là Ngày Người cao tuổi Việt Nam.
Và đặc biệt hơn, khoản 3, Điều 37 Hiến pháp 2013 đã khẳng định vị trí, vai trò của người cao tuổi: "Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Kỷ niệm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam và Ngày Người cao tuổi Việt Nam năm nay không phải năm chẵn, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội Người cao tuổi tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm thiết thực phù hợp với thực tế địa phương.
Cụ thể, các buổi sinh hoạt của chi hội, tập trung tọa đàm về ý nghĩa, mục đích Ngày truyền thống - Ngày người cao tuổi Việt Nam, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đẩy mạnh xã hội hóa phong trào toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi, vận động các gia đình, con cháu và cộng đồng dân cư thăm hỏi, giúp đỡ người cao tuổi, nhất là người cao tuổi khó khăn, cô đơn, khuyết tật; xây dựng quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; triển khai thực hiện "Chương trình mắt sáng cho người cao tuổi", "Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới"…
TẤN ĐỜI