Nghiệp đoàn khai thác hải sản: Điểm tựa vững chắc của ngư dân
Với mục tiêu là xây dựng ý thức tương thân, tương trợ để ngư dân bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, từ năm 2011 đến nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và Công đoàn ngành NN&PTNT tỉnh đã thành lập 3 Nghiệp đoàn Khai thác hải sản (KTHS) ở xã Kiểng Phước, thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) và phường 2 (TP. Mỹ Tho). Các nghiệp đoàn này đi vào hoạt động đã trở thành điểm tựa vững chắc của ngư dân.
Tiền Giang là tỉnh có nghề cá phát triển, với 1.357 tàu khai thác biển, có tổng công suất 295.400 CV, trong đó tàu tham gia khai thác là 1.183 chiếc và 193 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Song phương thức sản xuất, khai thác của tàu thuyền còn manh mún, nhỏ lẻ, khả năng ứng phó với thiên tai và xử lý rủi ro trên biển còn hạn chế; đặc biệt là quyền lợi của ngư dân chưa được bảo đảm.
Tàu cá ở Cảng cá Vàm Láng đang chuẩn bị nguyên vật liệu để ra khơi đánh bắt. |
Do đó, cùng với việc thành lập tổ, đội hợp tác và tổ đoàn kết sản xuất trên biển, việc ra đời của các Nghiệp đoàn Khai thác hải sản ngoài mục tiêu trên, còn có ý nghĩa hết sức đặc biệt về an ninh chính trị, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo quê hương.
Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn này đã chăm lo tốt hơn và là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động, chủ yếu là ngư dân khi có xảy ra tranh chấp ngư trường.
Ngư dân Nguyễn Văn Dân, đoàn viên của Nghiệp đoàn KTHS phường 2 (TP. Mỹ Tho) tự tin khẳng định: “Ở đâu ngư dân mình khai thác, đánh bắt thì ở đó là vùng trời, vùng biển của Tổ quốc mình. Do vậy, chỉ cần ngư dân mình đoàn kết bám biển thì chủ quyền biển, đảo sẽ được giữ vững. Đó là mong muốn chung của tất cả ngư dân khi gia nhập nghiệp đoàn”.
Theo LĐLĐ tỉnh, trong thời gian qua, các Nghiệp đoàn KTHS trên địa bàn tỉnh hoạt động và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo điều lệ quy định. Các nghiệp đoàn còn giúp ngư dân nâng cao tay nghề, lao động có hiệu quả và cải thiện cuộc sống.
Tổ chức Công đoàn cơ sở này đã quy tụ, gắn kết ngư dân, tạo sức mạnh đoàn kết, liên kết phát triển khai thác đánh bắt trên tinh thần tương trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, rủi ro, tai nạn trên ngư trường, đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất.
Các Nghiệp đoàn KTHS còn là đại diện hợp pháp cho người lao động nghề cá, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho ngư dân; đồng thời ổn định nguồn nhân lực cho mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, giải quyết những mối bất hòa, mâu thuẫn trong nội bộ ngư dân.
Ngoài mục đích hỗ trợ, điểm khác biệt của các Nghiệp đoàn KTHS với những mô hình hợp tác hoạt động sản xuất trên biển là tập hợp ngư dân vào tổ chức Công đoàn để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch Nghiệp đoàn KTHS thị trấn Vàm Láng cho biết, trong thời gian qua, hoạt động của nghiệp đoàn đã phần nào hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; giúp đỡ về thiết bị vật tư, nhân lực sửa chữa máy móc khi hỏng hóc; thông tin về ngư trường, thị trường; hỗ trợ vay vốn mua sắm ngư lưới cụ, trang thiết bị phục vụ khai thác biển; hỗ trợ nhau về tinh thần, kết nối thông tin từ tàu về đất liền và ngược lại. Nhiều đoàn viên nghiệp đoàn được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa, giúp đỡ con em học hành.
Ông Huỳnh Phương Trúc (ở khu phố Lăng Ba, thị trấn Vàm Láng) có 20 năm sống với nghề đánh bắt trên biển cho biết: “Được tham gia Nghiệp đoàn KTHS thị trấn Vàm Láng là niềm tự hào của ngư dân. Đây là điểm tựa tinh thần vững chắc của ngư dân trên ngư trường.
Từ nay, ngư dân chúng tôi không còn đơn độc khi ra khơi, vì bên cạnh chúng tôi đã có tổ chức Công đoàn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ khi gặp khó khăn trong đánh bắt, phát triển ngành nghề. Kỳ vọng của ngư dân là mong sao tổ chức Công đoàn - nghiệp đoàn này hoạt động đúng với tôn chỉ, mục đích và hiệu quả, thật sự là đại diện hợp pháp, chính đáng cho người lao động nghề biển”.
Từ các tổ, đội hợp tác và tổ đoàn kết sản xuất trên biển rồi đến việc ra đời của các Nghiệp đoàn KTHS là sự nối tiếp trong quá trình hợp tác, đoàn kết của bà con ngư dân khi hành nghề trên biển. Với mỗi mô hình, tính pháp lý, sự vào cuộc của chính quyền, các ngành chức năng tuy có khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, hiệu quả kinh tế, ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động đi biển.
Hỗ trợ nhiều hơn cho ngư dân Công đoàn ngành NN&PTNT Việt Nam đang cùng với Bộ NN&PTNT xây dựng các chính sách hỗ trợ ngư dân; khuyến khích thành lập và phát triển các hình thức sản xuất tập thể trên biển. Triển khai chương trình hiện đại hóa tàu thuyền đánh cá và trang bị thông tin hiện đại. Bên cạnh đó, Công đoàn ngành NN&PTNT Việt Nam đã và đang tham gia cùng Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai có hiệu quả thiết thực Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”; phát động ủng hộ Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”; vận động các doanh nghiệp và cá nhân trong ngành NN&PTNT cả nước đóng góp các quỹ xã hội từ thiện hướng về ngư dân. Công đoàn ngành NN&PTNT cũng mong muốn các tập thể, cá nhân trong cả nước sẽ quan tâm chia sẻ với những khó khăn của bà con ngư dân, những người đang ngày đêm trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo. |
Là một trong những chủ tàu đầu tiên tích cực tham gia xây dựng Nghiệp đoàn KTHS thị trấn Vàm Láng, ông Phạm Văn Lớn (ở khu phố Lăng Ba, thị trấn Vàm Láng), khẳng định: “Việc thành lập Nghiệp đoàn KTHS là rất cần thiết, phù hợp với nguyện vọng chung của ngư dân. Tuy nhiên, đã thành lập nghiệp đoàn thì phải hoạt động đúng thực chất, chứ không nên vào nghiệp đoàn cho có lệ. Từ thực tế ấy, các tổ chức Công đoàn cấp trên cần xem xét kỹ quy mô của nghiệp đoàn hiện nay để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế”.
Theo ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Nghiệp đoàn KTHS là một mô hình mới chưa có kinh nghiệm trước đó cả về mô hình tổ chức lẫn phương thức hoạt động.
Do đó, để mô hình Nghiệp đoàn KTHS trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, ông Trương Văn Hiền đề nghị, mỗi đoàn viên phải nắm chắc những quy định về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của mình khi gia nhập nghiệp đoàn.
Qua đó, các đoàn viên sẽ tích cực tham gia các hoạt động và chấp hành tốt các quy định của nghiệp đoàn, kể cả khi tham gia hoạt động trên biển cũng như khi về sinh sống tại gia đình.
Đối với Ban Chấp hành của các nghiệp đoàn cần có sự phân công cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên nghiên cứu tình hình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên để có những nội dung, hình thức hoạt động cho phù hợp.
Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là cung cấp tài liệu quy định có liên quan đến ngành nghề khai thác hải sản xa bờ, trang bị đến mỗi tàu để sinh hoạt trong đoàn viên; đồng thời, xây dựng tiêu chí phát động thi đua để kịp thời biểu dương, khen thưởng cho tập thể tàu và cá nhân đoàn viên có thành tích tốt.
PHƯƠNG NGHI