Thứ Sáu, 20/06/2014, 12:44 (GMT+7)
.

Nhà báo nói về cuộc đời làm báo của mình

Còn sống còn viết

Nhà báo Tiền Phong tên thật là Cao Nguyên Khởi, sinh năm 1946 tại xã Tân Phú Trung, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha là cán bộ Giao bưu vận của khu Tây Nam bộ (hy sinh năm 1967); còn mẹ là đảng viên, cơ sở cách mạng nòng cốt.

Năm 1958, mới 12 tuổi, cậu bé Khởi đã bị giặc bắt giam vào chi Công an Bình Đại vì tội “còn nhỏ mà đã bày đặt theo Việt Minh”. Nửa năm sau ra tù, cậu bé Khởi được giao nhiệm vụ làm công tác Văn hóa thông tin của xã.

Chính trong thời gian này, năng khiếu làm báo của cậu bé Khởi đã bộc lộ rõ qua việc vẽ băng ron, khẩu hiệu và viết những mẩu tin đầu tiên, nho nhỏ xuất hiện đều trên các bảng thông tin tuyên truyền.

Năm 1960, được rút về huyện Bình Đại làm công tác tuyên - văn - giáo, sau đó chuyển qua làm thư ký Văn phòng Huyện ủy nên cậu bé Khởi có điều kiện tiếp xúc với nhiều thông tin thời sự nóng hổi. Đam mê viết lách nên năm 1962, cậu bé Khởi đã có tác phẩm đầu tiên được đăng trên báo với bút danh Tiền Phong.

Từ đó trở đi, viết báo là nỗi niềm đam mê của cây bút trẻ Tiền Phong. Vì vậy năm 1964, cậu bé Khởi được điều về công tác tại Báo Chiến Thắng, tỉnh Bến Tre, chính thức trở thành phóng viên khi vừa tròn 18 tuổi và 2 năm sau vinh dự được đứng vào hàng ngũ của những người Cộng sản.

Chiến tranh càng ác liệt, trách nhiệm người làm báo càng nặng nề và không kém phần hiểm nguy, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm đam mê, nhà báo Tiền Phong đã không quản ngại khó khăn, xông xáo vào những nơi nóng bỏng nhất.

Và những bài báo mang tính thời sự nóng hổi thường xuyên xuất hiện trên mặt báo với bút danh Tiền Phong - Nguyên Anh. Trong số đó,  bạn đọc vẫn chưa quên loạt bài “Ba Lai ba lần nổi sóng” phản ánh một cách sinh động chiến công của quân và dân Bến Tre 3 lần đánh chìm tàu địch trên dòng sông Ba Lai.

Năm 1969, sau khi được đào tạo lớp Báo chí toàn năng của miền do Trung ương cục miền Nam tổ chức, nhà báo Tiền Phong được điều về công tác tại Báo Giải Phóng Khu Trung Nam bộ, trở thành phóng viên chiến trường.

Dấu ấn nào để lại trong anh những năm làm phóng viên chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước? - Tôi hỏi. Nhà báo Tiền Phong bồi hồi kể: “Dấu ấn thì nhiều, kỷ niệm vui buồn đan xen lẫn lộn nhưng có một điều, càng khó khăn, gian khổ, ác liệt bao nhiêu thì bản lĩnh người phóng viên chiến trường càng được tôi luyện bấy nhiêu và tình cảm anh em, đồng đội càng keo sơn, gắn bó.

Hồi ấy, phóng viên chiến trường đi tới đâu thì tổ minh ngữ điện đài theo đến đó để kịp thời chuyển tin, bài. Không ít nhà báo đã hy sinh nhưng tin, bài thời sự được cập nhập nhanh trên tờ Giải phóng và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Lăn lộn trên chiến trường, dấu chân tôi đã từng in khắp các tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong, Bến Tre, An Giang, Mỹ Tho và Gò Công”.

Cuối năm 1975, Báo Giải phóng giải thể, nhà báo Tiền Phong được điều về công tác tại Báo Ấp Bắc. Sau đó, anh được đưa đi học trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc ở Hà Nội, khi ra trường được điều về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang cho đến khi nghỉ hưu năm 1991. Mặc dù nghỉ hưu nhưng niềm đam mê nghề viết vẫn còn và anh từng hứa với lòng mình là hễ còn sống còn viết.

Không quên một thời đạn bom, khói lửa

Năm 1963, mới 13 tuổi, nhà báo Trần Nhã đã làm quen với nghề báo bằng nghề sắp xếp chữ, khắc gỗ, sửa morat tại Nhà in Lý Tự Trọng (thuộc Ban Tuyên huấn, Khu ủy Khu Trung Nam bộ).

Năm 1970, Trần Nhã được điều về làm cán bộ văn thư, lưu trữ, bảo mật thuộc Văn phòng Ban Tuyên huấn và đến năm 1972, trên cương vị Phó Văn phòng Ban Tuyên giáo lại được đưa đi học tại trường Báo chí miền, do Trung ương cục tổ chức.

Ra trường, nhà báo Trần Nhã được điều về công tác tại Báo Giải phóng, trở thành phóng viên chiến trường.

Nhớ lại cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Trần Nhã bộc bạch: “Làm phóng viên chiến trường Khu Trung Nam bộ, dấu chân của chúng tôi từng in khắp các nẻo đường của các tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong, Bến Tre, Mỹ Tho, An Giang.

Hồi đó, may mắn thì được đi xuồng, đi ghe còn chủ yếu là lội bộ; ăn bờ, ngủ bụi là chuyện thường ngày, còn chống càn thì như cơm bữa. Ba lô làm bàn, tin bài nhiều lúc phải viết dưới ánh đèn dầu lúc mờ, lúc tỏ. Khó khăn, vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng tin tức thời sự luôn được phản ánh kịp thời, góp phần tuyên truyền, động viên cán bộ, chiến sĩ hăng hái thi đua đánh giặc.

Gian nan và ác liệt, thiếu thốn và khó khăn, những bài báo ngày ấy đến với bạn đọc không chỉ thấm đẫm mồ hôi mà còn có cả xương máu trong đó nữa. Đồng nghiệp của chúng tôi không ít người đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường.

Bản thân tôi cũng đã không ít lần vào sanh ra tử, khi theo chân các đơn vị bộ đội chủ lực thọc sâu xuống các chiến trường. Ngày ấy, để có một tấm ảnh chụp ánh lửa lóa nhòe của quả đạn ĐKZ bắn vào đồn địch hay tư thế của người chiến sĩ Giải phóng quân băng mình qua hàng rào dây thép gai bùng nhùng của địch, chúng tôi phải ra tận chiến hào. Tác nghiệp trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ác liệt, giữa tiếng bom rơi, đạn nổ, nhưng chúng tôi vẫn không sờn lòng”.

Giọng nhà báo Trần Nhã càng lúc càng sôi nổi: “Bộ đội ở dưới công sự ngập nước, quả đạn ĐKZ lao vút đi, ánh lửa bùng lên kéo theo bùn và nước bắn tung tóe. Tấm ảnh mang tính thời sự nóng hổi khi Tiểu đoàn 502 đánh chiếm đồn Cây Dừng ở Kiến Văn - Cao Lãnh mà tôi chụp, xét ở một góc độ khác có thể coi đó là một tấm ảnh mang tính nghệ thuật cao nhờ vào những tia nước bắn tung tóe rất đẹp. Đáng tiếc là do hoàn cảnh chiến tranh, những tấm ảnh quý báu đó đã không còn lưu giữ được.

Hồi đó, sau khi chụp ảnh, chúng tôi phải tự rửa phim, hong khô, cất vào hộp, rang gạo bỏ vào để chống ẩm, gói trong mấy lớp nilon để chuyển theo đường giao liên đưa về tòa soạn. Cơ quan đóng trên đất bạn Campuchia, giao liên đi về có khi mất hàng tháng trời. Vì vậy, mặc dù là những tấm ảnh mang tính thời sự nhưng khi được lên khuôn, tính thời sự đã không còn được nóng hổi.

Tuy nhiên, để đáp ứng mục đích tuyên truyền, nhiều khi chúng tôi phải nhờ cơ sở bí mật rửa và phóng to để triển lãm ngay trong vùng giải phóng khi điều kiện cho phép nhằm khích lệ tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Những tấm ảnh tái hiện khí thế cách mạng, tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân Khu Trung Nam bộ ngày ấy thấm đẫm máu và mồ hôi của chúng tôi đã trở thành những tư liệu quý”.

Từng theo chân Tiểu đoàn 261, Tiểu đoàn 514 thọc sâu xuống các chiến trường, nhà báo Trần Nhã đã có nhiều bài viết sâu sắc, mang tính thời sự cao và những tấm ảnh vô cùng sinh động. Trong ngày 30-4-1975 lịch sử, nhà báo Trần Nhã có mặt trong đội hình Sư đoàn 1 Đồng Tháp tiến vào giải phóng TP. Mỹ Tho. Những tấm ảnh của nhà báo Trần Nhã ghi lại thời khắc lịch sử Mỹ Tho hoàn toàn giải phóng là những tư liệu quý rất đáng được trân trọng.

Sau năm 1975, Báo Giải phóng giải thể, nhà Báo Trần Nhã được điều về Báo Ấp Bắc rồi chuyển qua Thông tấn xã, qua Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VH-TT&DL) rồi về làm Phó Giám đốc và Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Sau đó, nhà báo Trần Nhã được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh và nghỉ hưu vào năm 2010.

Trong thời gian làm Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình, nhà báo Trần Nhã đã có một dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời làm báo của mình, đó là: Được tháp tùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua thăm đất bạn Campuchia, đã ghi lại hình ảnh của quân tình Nguyện Việt Nam trên đất bạn. Những cuộn phim quý đang được nhà báo Trần Nhã tập hợp, phân loại để chuẩn bị cho một cuộc triển lãm ảnh trong thời gian tới.

ANH ĐẬU

.
.
.