Thứ Tư, 25/06/2014, 06:29 (GMT+7)
.

Ông Sáu Bình - khắc ghi "Dấu ấn cuộc đời"

Từ sau Tết, mỗi sáng hành lang trước nhà ông thưa dần các buổi “trà đạo”. Đó cũng là biểu hiện sức khỏe của ông tính từ tháng rồi đếm theo ngày. Không chỉ có bà con lối xóm mà còn các đồng chí, đồng sự, những người làm việc, bà con trên quê... dõi theo bệnh tình của ông.

Ông ra đi ở tuổi 92, là quy luật bình thường, song với ông, đó là người lãnh đạo tỉnh Tiền Giang có tuổi thọ hàng cao. Sự nghiệp cách mạng của ông được ông để lại qua tập sách “Dấu ấn cuộc đời”, đó là những dấu ấn về cuộc đời riêng đi theo Đảng làm cách mạng không phai của ông để lại cho hậu thế...

Như tên gọi, quyển sách ghi lại những dấu ấn đáng để đời của một vị lãnh đạo xuất thân từ nông dân, gần gũi với nông dân, từng kinh qua nhiều trọng trách từ cơ sở cho đến những năm đảm đương trọng trách Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đầu tiên.

Ẩn sâu trong những dòng tóm tắt tiểu sử đồng chí Nguyễn Công Bình là bao câu chuyện sinh động được thâu tóm trong quyển sách “Dấu ấn cuộc đời”. Riêng với cánh nhà báo, có lẽ dấu ấn không phai là sự ân cần trong mỗi câu chuyện kể về những sự kiện lịch sử, những hoạt động linh hoạt, sáng tạo... là chất liệu cho mỗi bài báo và qua đó những người làm báo như lớn thêm lên từ “dấu ấn sự kiện” trong mỗi dịp nghe ông kể.

Báo Ấp Bắc thực hiện bộ album ảnh tặng bác Sáu Bình.
Báo Ấp Bắc thực hiện bộ album ảnh tặng bác Sáu Bình.

Ông Sáu phân tích tường tận về vụ phá mạng lưới tình báo do tên Robe Đại cầm đầu. Khi đó ông giữ trọng trách Trưởng ban An ninh tỉnh Mỹ Tho, trực tiếp chỉ đạo chuyên án A.23. Thắng lợi qua chuyên án không chỉ thể hiện sự mưu trí, gan dạ của cán bộ, chiến sĩ an ninh mà còn có ý nghĩa quan trọng, phá rã mạng lưới tình báo của CIA nhằm chia cắt địa bàn, lực lượng ta.

Qua chuyên án, ta làm sạch địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện mở mảng, chuyển vùng, góp phần quan trọng đưa lực lượng hỗ trợ chiến trường Chợ Gạo, Gò Công tiến lên giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tin rằng, lịch sử Công an Khu 8 - Công an Tiền Giang ghi chép chi tiết về chuyên án A.23 và trong câu chuyện của cán bộ, chiến sĩ an ninh Mỹ Tho mỗi khi nhắc đến chuyên án vẫn không phai trong ký ức về ông Sáu với câu chuyện “Điệu hổ ly sơn”.

Nhân dịp Kỷ niệm 30-4 hàng năm, nhất là những năm chẳn, năm tròn, Báo Ấp Bắc đều cử phóng viên đến gặp ông Sáu để sưu tầm, ghi chép về con người - sự kiện tỉnh Mỹ Tho. Vào thời điểm diễn ra sự kiện lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Sáu giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy.

Không chỉ bằng trí nhớ, ông còn lưu giữ, mở quyển sổ tay ghi rõ thời gian và địa điểm chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh trên chiến trường tỉnh Mỹ Tho. Ông kể tường tận về câu chuyện gặp ông Sáu Dân (đồng chí Võ Văn Kiệt) tại căn cứ Tỉnh ủy đóng ở cầu Thầy Tùng và tiếp thu ý kiến chỉ đạo “tỉnh, huyện, xã tự giải phóng”.

Tiếp theo là câu chuyện ông chỉ đạo đồng chí Lê Quang Công tiến chiếm huyện lỵ Cai Lậy, bắt quận trưởng Lý. Ông giữ gìn cẩn trọng tấm ảnh có ý nghĩa lịch sử: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho họp khẩn cấp vào sáng 1-5-1975 để đánh giá và bàn nhiệm vụ cấp bách chỉ đạo sau ngày giải phóng.

Câu chuyện về sự kiện lịch sử 30-4 và Tỉnh ủy Mỹ Tho qua lời kể và tư liệu ông Sáu lưu giữ ẩn chứa dấu ấn về đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho - Nguyễn Công Bình. Bài báo từ chất liệu ấy giúp cho nội dung Báo Ấp Bắc thêm phong phú, sinh động, có giá trị lịch sử - sự kiện.

Không chỉ với báo giới, khi thực hiện các ấn bản đặc biệt về Mỹ Tho - Tiền Giang hoặc các cuộc hội thảo lịch sử, ông Sáu đều dành thời gian tham gia, cung cấp tư liệu quý. Trước trách nhiệm và tình cảm lớn của ông, lãnh đạo và phóng viên của Báo Ấp Bắc đã sưu tập và thực hiện bộ album ảnh, tham gia xuất bản quyển sách về ông với tâm nguyện ghi lại “Dấu ấn cuộc đời” của một con người xuất thân từ nông dân, đi theo Đảng làm cách mạng, góp công sức, trí lực vì quê hương Tiền Giang.

Trong những ngày tang lễ đồng chí Nguyễn Công Bình, bên tách trà, ly rượu, các thế hệ bùi ngùi ôn lại bao câu chuyện từ thời bao cấp mà ông Sáu với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đầu tiên đã dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Như trong việc chỉ đạo ứng trước vật tư nông nghiệp giúp nông dân sản xuất, thưởng nông dân trong huy động lương thực; hay chuyện lãnh đạo, điều hành thực hiện 5 chương trình kinh tế có mục tiêu theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh... Trong mỗi câu chuyện còn chứa đựng dấu ấn lịch sử sinh động diễn ra trên quê hương Tiền Giang, mang dấu ấn đồng chí Nguyễn Công Bình.

Còn một câu chuyện mang tính nhân văn sâu sắc, đó là những năm khó khăn, tỉnh tiến hành khai thác Đồng Tháp Mười, với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh, ông Sáu Bình nhận làm chủ hôn đám cưới lớn nhất nước với 23 cặp rể - dâu. Đó là những con người vốn là “nạn nhân” của chế độ cũ, qua lao động trở thành người tốt, được nhận làm công nhân Nông trường Tân Lập. Sau hôn lễ tập thể được Báo Nhân Dân, Báo Ấp Bắc thông tin đã thu hút dư luận quan tâm. Có thể đây là sự kiện đáng ghi vào guinness mà ông Sáu Bình là chủ hôn.

Trong những ngày tang lễ, bà con khu phố 2, phường 5, TP. Mỹ Tho thương tiếc một cây cao bóng cả với tình cảm sâu nặng. Những người dân sinh sống trên con hẻm ngày nào nhớ ơn ông như người có công biến khu đất ẩm thấp trở thành con đường nhựa phẳng phiu. Từ ngày ông về ở đây,  nhà kiên cố, khang trang ngày càng mọc lên.

Cấp dưới của ông kể rằng, sau ngày giải phóng, tổ chức phân bổ cho ông nhà và đất khang trang trên đại lộ Hùng Vương, song ông từ chối với lý do để sau này làm cơ quan Nhà nước. Ông nhận khu đất trong con hẻm vốn sình lầy, rồi chia cắt từng phần cho đồng chí, đồng sự. Sau đó, ông tranh thủ xin đầu tư xây dựng, mở rộng dần... để mấy mươi năm sau trở thành con đường mà người ta quen gọi là hẻm - đường ông Sáu Bình trước khi được đặt tên Hoàng Việt như hiện nay.

Đảng ủy - UBND phường và gần gũi hơn là bà con khu phố 2 còn khắc ghi hình ảnh về một vị lãnh đạo tỉnh dù nghỉ hưu song vẫn ân cần đến từng nhà mỗi khi hữu sự, nhắc nhở xóm giềng từ chuyện treo cờ nhân lễ, tết đến chuyện dạy bảo con cháu sống hợp đạo lý, bảo ban nhân những sự kiện lịch sử của Đảng, dân tộc, đất nước...

Đời người là hữu hạn, với ông Sáu Bình - đồng chí Nguyễn Công Bình không ngoại lệ. Trong câu chuyện về người chiến sĩ cộng sản kiên trung được trao Huy hiệu Đảng 65 năm, từng kinh qua những trọng trách lãnh đạo từ cơ sở đến đứng đầu UBND tỉnh thì 92 năm sống trên đời, mỗi “Dấu ấn cuộc đời” không chỉ về ông mà còn gắn liền với một phần lịch sử Tiền Giang, khắc ghi trong mỗi người với các danh xưng thân mật mỗi khi nhắc nhớ về ông.

CỎ THƠM

.
.
.