Thứ Sáu, 20/06/2014, 12:54 (GMT+7)
.

Phòng Biên tập TH-Đài PTTH TG: Mang hơi thở cuộc sống vào từng tác phẩm

Trong 5 năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả, lãnh đạo Đài PT-TH không ngừng nâng cao chất lượng chương trình truyền hình và đã định hình rõ nhiều chương trình cụ thể như: Nhóm thời sự chính luận, nhóm các chương trình khoa giáo, nhóm các chương trình từ thiện xã hội và các chương trình giải trí.

Trong xu thế phát triển chung của ngành, Đài PT-TH Tiền Giang đã nỗ lực thực hiện các chương trình truyền hình thực tế, các phóng sự của chương trình truyền hình ngày càng bám sát với thực tế đời sống của nhân dân. Thời lượng và chất lượng phát sóng tăng dần hàng năm, với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn.

Đó là sự cố gắng lớn của tập thể cán bộ, viên chức của Đài PT-TH. Trong đó, Phòng Biên tập Truyền hình được xem là ê-kíp đảm đương nhiều phần việc quan trọng, luôn làm việc với cường độ cao. Song, anh em cán bộ, phóng viên vẫn luôn hăng hái và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ê-kíp Phòng Biên tập truyền hình tác nghiệp.
Ê-kíp Phòng Biên tập truyền hình tác nghiệp.

Ông Trần Thanh Tuấn, Trưởng phòng Biên tập truyền hình, cho biết: “Phòng có 27 cán bộ, viên chức, trong đó có 10 phóng viên quay phim, 13 phóng viên biên tập, còn lại là cán bộ phụ trách phòng.

Song, Đài PT-TH nói chung và ê-kíp Phòng Biên tập truyền hình nói riêng đã không ngừng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ tuyên tuyền, phát huy vai trò là “tờ báo hình”; các vấn đề, sự kiện thời sự nổi bật về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương đều được đưa lên sóng kịp thời.

Trong đó, phải kể đến các chương trình thực tế, từ thiện xã hội. Ê-kíp thực hiện tích cực tác nghiệp, khắc phục mọi khó khăn nên công tác chuyên môn luôn được cấp trên đánh giá là hoàn thành tốt”.

Ống kính máy quay của các chương trình ngày càng bám sát nhân vật trong đời sống. Có thể nói, nhiều chương trình do ê-kíp thực hiện như: “Mái ấm nghĩa tình”, “Địa chỉ nhân đạo”, “Nâng bước đến trường”… đã tạo hiệu ứng tốt đối với bạn xem đài, nhất là nhóm chương trình nhân đạo xã hội.

Chẳng hạn, chương trình “Mái ấm nghĩa tình” đã thu hút thêm nhiều đơn vị tài trợ và các nhà hảo tâm đồng hành cùng chương trình qua các năm. Chương trình “Địa chỉ nhân đạo” đã thực sự trở thành nhịp cầu giữa các hoàn cảnh cơ nhỡ với các tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

Theo phòng Biên tập truyền hình, năm 2013 đã phát sóng và hỗ trợ 26 hoàn cảnh (tùy hoàn cảnh mà mức đóng góp hỗ trợ khác nhau, thấp nhất là trên 60 triệu đồng và cao nhất là trên 90 triệu đồng).

Đến nay, tổng số tiền hỗ trợ cho các đối tượng của chương trình gần 1,8 tỷ đồng. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội.

Nếu năm 2012 chỉ có 11 nhóm nhân đạo thì đến năm 2013 đã tăng lên 24 nhóm nhân đạo, với hơn 400 nhà hảo tâm. Từ 1 suất học bổng trị giá 5 triệu đồng của 1 đơn vị tài trợ ban đầu, đến nay chương trình “Nâng bước đến trường” đã có thêm nhiều nhà tài trợ và nhà hảo tâm, với các suất học bổng cố định lên đến 25 triệu đồng...

Ngoài ra, khán giả theo dõi chương trình thường xuyên tham gia đóng góp hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật thông qua các chương trình, nhất là “Địa chỉ nhân đạo”, tạo hiệu ứng xã hội tích cực.

Chương trình truyền hình thực tế luôn đòi hỏi sự đầu tư thời gian, công sức. Ê-kíp thực hiện chương trình luôn tìm tòi, học hỏi, khắc phục khó khăn để sản xuất các chương trình truyền hình thực tế theo hướng hiện đại.

Nhiều chương trình của Ê- kíp đã làm thay đổi đời sống của nhiều mảnh đời bất hạnh. Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, phóng viên phụ trách Chương trình, chia sẻ:

“Đối tượng chúng tôi tiếp xúc thường là những người mắc bệnh nan y, điều này ban đầu cũng làm tôi lo lắng. Nhưng tôi nghĩ nếu không gần gũi, trải lòng với nhân vật thì sẽ không thể cảm và hiểu được khó khăn mà họ đang gặp phải. Càng đi càng cảm thấy thương bà con hơn và vui mừng khi mỗi năm số lượng nhà hảo tâm tăng lên, số tiền hỗ trợ cũng được nhiều hơn, anh em trong ê-kíp cũng cảm thấy không còn mệt mỏi”.

Chấp nhận làm phóng viên truyền hình nghĩa là bạn luôn phải đi, phải tìm hiểu, phải giao tiếp và phải hoàn thành tác phẩm đúng thời hạn để phát sóng. Bên cạnh những chuyên đề, phóng sự, ê-kíp có thời gian chuẩn bị thì còn có một số chương trình, sự kiện đòi hỏi người phóng viên truyền hình phải luôn trong tâm thế sẵn sàng tác nghiệp.

Những dịp lễ, tết phần lớn những người làm công tác truyền hình đều phải tác nghiệp, thậm chí “nằm vùng” để kịp thời đưa lên sóng những thông tin thời sự. Một anh phóng viên quay phim tâm sự, từ nhiều năm nay phóng viên của Đài PT-TH chỉ trở về nhà khi đồng hồ đã chỉ gần 2 giờ sáng mùng 1 Tết. Sau khi tác nghiệp về dựng video clip, làm xong chương trình đón giao thừa, gần sáng anh em mới về đến nhà.

Song, người ta vẫn thấy anh em phóng viên của Đài luôn phấn khởi, nôn nao với từng sự kiện thời sự, tác nghiệp với lòng đam mê, trải lòng cùng những mảnh đời bất hạnh… để mang tác phẩm tốt nhất đến với công chúng. Đó chính là tác phong của người làm báo!

HOÀI THU

.
.
.