Thứ Bảy, 28/06/2014, 06:43 (GMT+7)
.

Tổ chức "Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương"

Hội nghị lần thứ IX (Khóa XI) Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó đề ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người; phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.

Để thực hiện được nhiệm vụ vừa nêu trên, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần quan tâm khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa của bữa cơm gia đình truyền thống.

Theo truyền thống văn hóa gia đình của người Việt thì bữa cơm là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, không chỉ để thỏa mãn nhu cầu cung cấp năng lượng cho cơ thể để tái sản xuất mà còn là nơi trao truyền kinh nghiệm, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nơi các thành viên trong gia đình thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết với nhau… góp phần hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, cộng đồng và xã hội.

Trước đây, rất nhiều gia đình đông con, có khi cả 3 - 4 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, nhưng bữa cơm gia đình hàng ngày luôn được duy trì. Tình yêu thương, tiếng cười và các câu chuyện tâm tình mà mọi người chia sẻ trong bữa cơm với sự tôn trọng, lắng nghe… đã tạo nên sự trải nghiệm hoàn hảo và gắn kết mỗi thành viên trong gia đình với nhau, góp phần tạo nên mối quan hệ bền chặt nhà - làng - nước, giúp dân tộc ta vượt qua bao thiên tai, địch họa.

Trong những năm gần đây, do nhiều tác động của đời sống hiện đại, do sức ép của những lo toan giữa bộn bề cuộc sống của “cơm, áo, gạo, tiền, công danh sự nghiệp” nên bữa cơm gia đình truyền thống đang bị nhiều gia đình xem nhẹ. Gia đình hiện đại, cung cách người “nội tướng” chăm sóc gia đình cũng khác trước và cách chúng ta cảm nhận hạnh phúc qua bữa cơm gia đình cũng khác.

Bữa cơm gia đình cũng được đổi mới hơn, phong phú hơn, vợ chồng, con cái có thể cùng ăn cơm hộp, những đồ ăn nhanh “fast food” hoặc cuối tuần cả gia đình cùng đi ăn ở hàng quán… Đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, những người làm công việc kinh doanh thường mải mê với công danh sự nghiệp, lo làm giàu nên phó mặc bữa cơm gia đình cho người giúp việc hoặc cha mẹ ở nhà lo cho con cái, còn họ thì chạy theo những cuộc liên hoan, tiệc tùng, tiếp khách, giao dịch với đối tác…

Họ không hiểu rằng, sự thờ ơ, thiếu quan tâm đến bữa cơm gia đình hoặc vắng mặt thường xuyên trong các bữa cơm gia đình là bỏ bê trách nhiệm của mình đối với gia đình, làm nguội lạnh các sinh hoạt khác trong gia đình như chơi và trò chuyện với con, dạy con học hành, đặc biệt là việc dạy con trẻ việc nấu nướng, cách ăn uống cũng là dạy cách ứng xử
có văn hóa, đạo làm người…

Mỗi thành viên gia đình có thể có thế giới riêng, nhưng thế giới riêng đó nếu không có sự kết nối với nhau thì sẽ như những người xa lạ ngoài xã hội, sống chung một ngôi nhà, chứ không phải là một gia đình. Nếu không có bữa cơm, ít thấu hiểu nhau, dây liên kết lỏng lẻo, dễ bị đứt, dẫn tới việc đi tìm tới những sinh hoạt thiếu lành mạnh ngoài xã hội và sự “tan đàn xẻ nghé”, con cái hư hỏng, vướng vào các tệ nạn xã hội là điều tất yếu sẽ xảy ra. 

Ngày nay, cái không khí của một bữa cơm gia đình đầm ấm, yêu thương như “râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” có vẻ như không còn hợp nữa với cuộc sống gia đình hiện đại, nhưng tình cảm gia đình, tình chồng nghĩa vợ, sự yêu thương, chia sẻ qua tô canh tôm ruột bầu vẫn là một giá trị quý báu không gì sánh được. Do vậy, việc duy trì bữa cơm gia đình dưới những hình thức mới thiết thực, hiệu quả, phù hợp với cuộc sống hiện đại là một sinh hoạt văn hóa rất cần được gìn giữ, trân trọng.

Gắn với chủ đề truyền thông về công tác gia đình năm 2014 là “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn chủ đề của ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay là “Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương” với mong muốn mỗi chúng ta trân trọng hơn những giây phút sum họp bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm.

Mặt khác, cũng là dịp để các gia đình hôm nay nhìn lại và trân trọng những nếp văn hóa truyền thống của gia đình, tạo thêm sự gắn kết trong các thành viên, nêu cao các giá trị vô giá của gia đình, đó là tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em tôn kính các bậc sinh thành, yêu thương chăm sóc con trẻ; đồng thời còn tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh kiên cường, bất khuất của gia đình Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển, đảo của Tổ quốc.

Bữa cơm gia đình là chiếc gương soi của hạnh phúc, cội nguồn kết nối yêu thương. Thế nên, nhân Ngày Gia đình Việt Nam, mỗi gia đình tùy theo điều kiện của mình, từ 17 giờ đến 19 giờ ngày 28-6 hãy tổ chức một bữa cơm gia đình thật ấm áp, yêu thương để chung tay “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”.    

NGUYỄN MINH PHÚC

.
.
.