Thứ Hai, 02/06/2014, 12:39 (GMT+7)
.

UBND tỉnh làm việc và đối thoại với tộc họ Hồ Đắc

Chiều 29-5, tại trụ sở Thanh tra tỉnh, bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các ngành chức năng tổ chức buổi làm việc và đối thoại trực tiếp với tộc họ Hồ Đắc, do ông Hồ Đắc Dũng (ngụ số 5, đường Đốc Binh Kiều, phường 2, TP. Mỹ Tho), người được ủy quyền khiếu nại để làm rõ nguồn gốc phần đất có diện tích đo đạc thực tế là 14.032 m2, tọa lạc ấp 6, xã Long Trung, huyện Cai Lậy, hiện do Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy quản lý và cho người dân thuê canh tác từ năm 1986 đến nay.

NGUỒN GỐC VÀ QUÁ TRÌNH SỬ DỤNG

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, qua xác minh ông Lê Văn Mười (sinh năm 1927, ngụ xã Long Trung), là cán bộ tham gia kháng chiến 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng năm 2012; ông Huỳnh Văn Nguyên và bà Lê Thị Nòn, tên thường gọi Mười Đen, cùng ngụ ấp 6, xã Long Trung; ông Hồ Đắc Dũng (người được ủy quyền), có sự chứng kiến ông Hồ Đắc Liêm (nguyên trưởng tộc) và ông Hồ Đắc Dĩ (trưởng tộc), được biết:

Nguyên phần đất có diện tích đo đạc thực tế là 14.032 m2, thuộc tờ bản đồ số 9, số thửa 282, loại đất CLN, tọa lạc tại ấp 6, xã Long Trung, huyện Cai Lậy, hiện do Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy quản lý là của địa chủ Hồ Khai Khoa (tên thường gọi ông Bái Lầu, cha ông Hồ Đắc Thượng). Ngoài phần đất nêu trên, địa chủ Hồ Khai Khoa còn có khoảng 100 ha đất ruộng và đất vườn.

Năm 1950, theo lời kêu gọi hiến đất của Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, ông Hồ Khai Khoa kêu con là ông Hồ Đắc Thượng hiến khoảng 100 ha đất ruộng và đất vườn (nêu trên) để Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ chia đất cho dân, chỉ chừa lại phần đất 14.032 m2 và căn nhà lầu trên đất. Trong năm này, ông Hồ Khai Khoa và ông Hồ Đắc Thượng cùng gia đình chuyển lên Sài Gòn sinh sống, phần đất 14.032 m2 và căn nhà lầu trên đất bỏ trống nên lính Pháp sử dụng làm đồn bót.

Sau khi Pháp rút thì lính Mỹ tiếp tục sử dụng căn nhà lầu này làm đồn bót, được một thời gian thì rút đi. Do đây là vùng kháng chiến nên chính quyền cách mạng và nhân dân phá bỏ căn nhà lầu này, vì sợ Mỹ sẽ tiếp tục đưa quân trở lại đóng đồn bót. Sau đó bộ đội Khu 8 về đóng quân ở đây và canh tác phần đất này để có nguồn lương thực nuôi quân cho đến ngày 30-4-1975 và giao lại phần đất này cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy Mỹ Tho quản lý.

Đến khoảng năm 1979 - 1980, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Mỹ Tho giao lại cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cai Lậy quản lý, nhưng trực tiếp sản xuất là Trường Đảng Trương Văn Sanh (thuộc Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cai Lậy), hiện nay do Văn Phòng Huyện ủy Cai Lậy quản lý và cho hộ dân thuê trồng cây ăn trái. Trong quá trình quản lý, sử dụng, 2 đơn vị này có kê khai đăng ký trên hồ sơ địa chính.

Theo hồ sơ 299, phần đất này thuộc thửa 1065, diện tích 15.730 m2, loại đất trồng màu, ghi tên Trường Đảng Trương Văn Sanh (thuộc Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cai Lậy). Theo hồ sơ đo đạc mới thì thửa đất này thuộc Tờ bản đồ số 9, số thửa 282, diện tích 14.032 m2, loại đất CLN, do Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy đăng ký, quản lý.

KẾT LUẬN CỦA UBND TỈNH

Qua xem xét các tài liệu hiện có trong hồ sơ, cũng như phần đối thoại trực tiếp với những người đại diện họ tộc Hồ Đắc, bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kết luận:

Xét phần đất nêu trên là của địa chủ Hồ Khai Khoa (cha ông Hồ Đắc Thượng) đã bỏ trống từ khoảng năm 1950, qua 2 thời kỳ Pháp và Mỹ đều sử dụng căn nhà lầu làm đồn bót. Khi lính Mỹ rút đi, chính quyền cách mạng và nhân dân ở đây phá bỏ căn nhà lầu này và quản lý đất đai. Sau đó, bộ đội Khu 8 về đóng quân ở đây và canh tác tự túc cho đến ngày 30-4-1975.

Sau giải phóng, bộ đội Khu 8 giao phần diện tích này lại cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy Mỹ Tho quản lý, Ban Tổ chức Tỉnh ủy giao lại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cai Lậy, nhưng trực tiếp sản xuất là Trường Đảng Trương Văn Sanh và hiện nay do Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy quản lý. Trong quá trình quản lý, sử dụng, 2 đơn vị này đều có kê khai, đăng ký vào sổ bộ địa chính…

Căn cứ Quyết định 188-CP ngày 25-9-1976 của Hội đồng Chính phủ về chính sách ruộng đất ở miền Nam Việt Nam cũng như Luật Đất đai năm 1993, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Luật Đất đai năm 2003 quy định:

“Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”…

Như vậy, việc ông Hồ Đắc Dũng khiếu nại cho rằng đất này của dòng họ Hồ Đắc cho mượn mà không trả là không có cơ sở. Bởi vì: Như nhận định trên thì đất này là của địa chủ Hồ Khai Khoa (cha ông Hồ Đắc Thượng) đã bỏ trống từ khoảng năm 1950, nên chính quyền cách mạng quản lý, chứ không phải đất của gia tộc Hồ Đắc.

Việc mượn đất được bà Lê Thị Nòn (Mười Đen) xác nhận: ... Trong chiến tranh có ông Tư Cứ và ông Sáu Minh đến gặp bà (lúc đó là tá điền của ông Hồ Đắc Thượng) hỏi mượn phần đất 14.032 m2 để canh tác tự túc nuôi quân và bà có đồng ý cho mượn. Sau giải phóng, ông Tư Cứ và ông Sáu Minh có kêu bà trả đất và bà có nhận lại đất, nhưng do ông Hồ Đắc Thượng và gia đình không còn ai ở đây nên phần đất này tiếp tục bỏ trống và chính quyền cách mạng xã, huyện quản lý luôn cho đến nay đã trên 30 năm.

Như vậy, việc bà Nòn cho rằng ông Tư Cứ và ông Sáu Minh đến gặp bà hỏi mượn đất và bà có đồng ý cho mượn thì cũng không thể xem đây là cơ sở pháp lý để xem xét, giải quyết. Vì bà Nòn không có quan hệ thân tộc gì với ông Hồ Đắc Thượng và cũng không được ông Hồ Đắc Thượng giao quyền quản lý phần đất này, mà bà chỉ là tá điền trước đây của gia đình ông Hồ Đắc Thượng.

Do đó, việc ông Hồ Đắc Dũng được gia tộc Hồ Đắc ủy quyền khiếu nại đòi lại 2 ha (đo đạc thực tế 14.032m2), tọa lạc ấp 6, xã Long Trung, huyện Cai Lậy hiện nay do Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy quản lý (với lý do đất này là của dòng họ Hồ Đắc cho mượn) là không có cơ sở để xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên, xét về quá trình đóng góp tài - vật - lực (kể cả con người) của họ tộc Hồ Đắc cho cách mạng, bà Trần Kim Mai hứa sẽ báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh về yêu cầu, nguyện vọng của họ tộc Hồ Đắc mong muốn có được một mảnh đất tại nơi đây để xây dựng từ đường nhằm giúp con cháu dòng họ ghi nhớ nơi khởi nghiệp của cha ông.

NGUYỄN SƠN

.
.
.