CLB nữ đò chèo xã Thới Sơn: Giúp chị em ổn định cuộc sống
CLB Nữ đò chèo xã Thới Sơn được tách ra và thành lập cách đây hơn 3 năm, trên cơ sở CLB đò chèo do UBND xã quản lý được thành lập từ khá lâu nhằm phục vụ du khách khi đến tham quan tại cù lao Thới Sơn, xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho. Chèo đò là việc làm khá vất vả, thu nhập không cao nhưng phần nào đã giúp chị em trong xã ổn định cuộc sống.
Chèo đò đã phần nào giúp chị em xã Thới Sơn ổn định cuộc sống. |
Dọc theo những con rạch ngoằn ngoèo tại điểm du lịch cù lao Thới Sơn, chúng tôi đếm được hơn 100 đò do các chị cầm chèo. Cù lao Thới Sơn là 1 điểm du lịch sinh thái thu hút rất nhiều du khách. CLB Nữ đò chèo được tập kết tại điểm du lịch ấp Thới Thạnh của Công ty TNHH MTV Du lịch Miền Tây, thu hút hơn 40 chị em tham gia.
Những du khách sau khi được tham quan cù lao Thới Sơn, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức các loại trái cây đặc sản, sẽ xuống đò trải nghiệm cảm giác mới lạ của vùng sông nước, được các cô gái mặc áo bà ba, đưa du khách len lỏi qua những hàng dừa nước mát rượi.
Để được tham gia CLB, các chị phải thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, được xã hỗ trợ cho vay vốn mua đò. Công việc của các chị bắt đầu từ 8 giờ - 16 giờ. Chị Đỗ Thị Kiều Oanh, tham gia CLB đã hơn 2 năm cho biết:
“Cuộc sống mưu sinh ngày càng khó khăn, việc nhổ cỏ, lặt nhãn trước đây chỉ là việc làm theo thời vụ. Được Hội LHPN xã giúp đỡ cho vay mua chiếc đò và được tham gia CLB chèo đò thì việc làm ổn định hơn. Tuy thu nhập không cao, nhưng có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình”.
Tiếp xúc với các chị làm nghề chèo đò, chúng tôi cảm nhận được ở các chị đều có một điểm chung là nghèo. Chỉ 15 ngàn đồng cho 1 lượt chèo chở khách du lịch với chiều dài hơn 2km, cô Nguyễn Thị Tuyết, năm nay đã gần 60 tuổi có 10 năm chèo đò, tâm sự: “Mỗi ngày tôi chèo được 1 hoặc 2 lượt, vào dịp cuối tuần hay lễ, tết thì được từ 3 - 4 lượt. Chị em ở đây cố gắng lắm mới có thể bám trụ với nghề, vì không còn việc gì khác để làm!”.
Bụng đang mang bầu ở tháng thứ 6, chị Nguyễn Thị Châu Thanh vẫn tay thoăn thoắt chèo đò đưa du khách. Chị Thanh chia sẻ: “Làm nghề này chỉ mong vào cuối tuần, tết hoặc trời nắng đẹp, có khách nhiều mình sẽ chèo được nhiều chuyến”.
Có thể nói, nghề chèo đò đã giúp cho chị em phần nào có thêm thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Chị Kiều Oanh bộc bạch: “Nhiều lúc gặp dòng nước ngược, đưa khách tới điểm ghe lớn là tôi ngồi thở dốc. Vậy mà vui vì được tiếp xúc với nhiều người, biết được nhiều chuyện nơi đây, nơi đó”.
Các chị trong CLB đều tâm sự: Làm nghề này phải chịu khó, dù nắng hay mưa cũng đều phải ngồi ngoài trời để đón khách. Dù thu nhập không cao, nhưng dù sao thì bao năm nay, nhờ cái nghề chèo đò mà đã giúp cho nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, con cái được học hành.
Cô Nguyễn Thị Hoa, Chủ nhiệm CLB Nữ đò chèo trăn trở: “Chính vì không vốn liếng, ruộng vườn, nên chèo đò là nghề “chủ đạo” của không ít gia đình sống ở khu vực này. Mong rằng trong thời gian tới, lãnh đạo các sở, ngành, cũng như ngành Du lịch tỉnh nhà tạo điều kiện thuận lợi để cuộc sống của chị em đỡ vất vả hơn”.
Chị Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Sơn cho biết: Thấu hiểu hoàn cảnh của chị em, Hội sẽ tạo mọi điều kiện để chị em tiếp cận được với các nguồn vốn vay. Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho chị em về kỹ năng chèo đò cũng như giao tiếp xã giao với du khách; đồng thời tuyên truyền cho chị em nắm về Luật Giao thông Đường thủy nội địa.
P. MAI