Thứ Sáu, 18/07/2014, 14:14 (GMT+7)
.

Hành trình 20 năm đưa nước sinh hoạt về vùng đất phèn

Trong thời gian qua, việc giải quyết bức xúc về nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong vùng đất phèn là vấn đề bức bách luôn được huyện Tân Phước quan tâm thực hiện. Cho đến nay, hàng ngàn hộ dân ở đây rất phấn khởi khi chứng kiến ngày càng có nhiều công trình nước sinh hoạt “mọc lên” tại các xã vùng sâu.

Tuy nhiên, việc đưa nước sinh hoạt về Tân Phước vẫn là một hành trình cần tiếp tục được quan tâm, giải quyết. Bởi vẫn còn một số nơi của huyện, người dân chưa tiếp cận được với nguồn nước sinh hoạt.

Nói đến Tân Phước thì ai cũng biết đến một thời người dân vùng đất phèn này phải dùng tro nấu củi lắng nước để sử dụng, vì nước nhiễm phèn quá nặng.

Ông Lê Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ cho biết: “Nhờ có công tác thủy lợi nội đồng mà nhiều con kinh, rạch ở đây đã được nạo vét, khơi thông, rửa phèn bớt. Nước ở các kinh, rạch bây giờ không còn nhiễm phèn nặng như cái thời cách đây hơn 20 năm, đem cá chốt ra kinh rửa là sạch nhớt luôn”.

Người dân xã Thạnh Tân vui mừng khi có nước sạch.
Người dân xã Thạnh Tân vui mừng khi có nước sạch.

Theo ông Lê Văn Thưởng, hồi đó không có nước sinh hoạt như bây giờ. Người dân ở đây cũng như nhiều nơi khác của huyện đều sử dụng nước dưới kinh, rạch nhiễm phèn đỏ như cau luộc. Để nước giảm bớt độ nhiễm phèn, không có cách nào khác là người dân phải bỏ tro củi vào túi, đổ nước vô để lắng lọc nhỏ giọt rồi hứng sử dụng.

Để nấu được nước uống có người còn bỏ thêm gừng và cỏ bắc để bớt cái vị chát của nước nhiễm phèn; đồng thời để ấm bụng, không bị tiêu chảy. Ngoài ra, người dân cũng trữ nước mưa để sử dụng.

Chia sẻ về cái thời khan hiếm nước sạch sử dụng, bà Nguyễn Thị Biết (ở ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ) cho biết: “Vào các năm 1993 - 1994, mấy con kinh, rạch bị cây năn, cây lác mọc đầy không thể bơi hay chống xuồng được, nên cứ khoảng 1 tuần là tôi phải lội kinh, kéo xuồng đến giếng nước khoan, cách nhà từ 6 - 7 cây số để lấy nước về sử dụng. Do có nhiều người đến lấy nước nên mỗi lần đi từ sáng tới xế chiều mới về tới nhà, mà chỉ lấy được khoảng 10 lít nước. Cực lắm!”.

Vào các năm 1996 - 1997, trước yêu cầu bức xúc về nước sinh hoạt của người dân xã Thạnh Mỹ, Nhà nước đã hỗ trợ cho mỗi hộ dân nơi đây 1 bồn chứa nước mưa (1,5m3/bồn). Đến năm 2000, xã được Nhà nước đầu tư khoan 3 giếng tầng sâu, phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 70% người dân của xã.

Theo ông Lê Văn Thưởng, từ năm 2005 đến nay, người dân xã Thạnh Mỹ mới thật sự giải được “cơn khát” nước sinh hoạt, khi trên địa bàn xã có 5 trạm cấp nước được đầu tư xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng, phục vụ cho 420/630 hộ dân của xã, theo hình thức tổ hợp tác.

“Mặc dù số hộ sử dụng nước sinh hoạt của xã chưa đạt 100%, nhưng đây là nỗ lực rất lớn của Nhà nước trong việc đưa nước sinh hoạt về vùng nông thôn nhiễm phèn nặng như xã Thạnh Mỹ” - ông Thưởng nói.

Hầu hết người dân xã Thạnh Mỹ đều phấn khởi khi được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh và từ bỏ thói quen sử dụng nước kinh, rạch phục vụ nhu cầu thiết yếu nấu ăn, tắm giặt hàng ngày, để phòng tránh tình trạng ngộ độc và dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe.

Còn ở xã Tân Hòa Đông, nơi không có nguồn nước ngọt để xây dựng trạm cấp nước kiên cố cũng được huyện Tân Phước nỗ lực đưa nước sinh hoạt về xã bằng nhiều cách như: Xây hồ chứa nước (đã được xử lý bằng thuốc) cung cấp cho một số ít người dân.

Đầu tư đường ống dẫn nước sinh hoạt từ xã Thạnh Mỹ về hồ chứa nước, rồi cung cấp cho người dân. Tận dụng nguồn vốn Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường để xây dựng trạm bơm nước... Tổng kinh phí các công trình đưa nước sạch về xã này đã lên đến 1,2 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Đông, mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc đưa nước sinh hoạt về xã, nhưng hiện đã có 166 hộ dân của xã được sử dụng nước sinh hoạt. Còn lại 291 hộ dân ở 3 ấp của xã là Tân Thành, Tân Phát và Tân Long vẫn còn lấy nước kinh, rạch làm nguồn nước sinh hoạt chính.

Bên cạnh bị nhiễm phèn, nước sông nơi đây còn bị ô nhiễm khá trầm trọng do thói quen thải rác trực tiếp ra sông và dư lượng thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp. Do đó, dù nhận thức được sự ô nhiễm của nguồn nước nhưng người dân địa phương buộc phải dùng nước đã lắng phèn để giặt giũ, tắm rửa, thậm chí là ăn uống khi nguồn nước mưa tích trữ đã cạn kiệt. Do đó, nguy cơ mắc các bệnh viêm da, phụ khoa ở phụ nữ, tiêu chảy xảy ra rất lớn.

Theo Phòng NN&PTNT huyện, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong 20 năm thành lập và phát triển, huyện đã rất cố gắng triển khai thực hiện chương trình cung cấp nước sinh hoạt nông thôn bằng nhiều nguồn vốn như: Chương trình cấp nước của UNICEF; Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường; các dự án cấp nước của Tổ chức CARITAS (Đức)... rất có hiệu quả.

Với con số ban đầu chỉ có vài trạm cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng vào thời điểm từ năm 1997 đến năm 2000, thì nay trên địa bàn huyện Tân Phước có đến 46 trạm cung cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng ở hầu hết các xã của huyện. Hơn 89,2% người dân của huyện Tân Phước được tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt là số liệu minh chứng cho sự nỗ lực trong hành trình 20 năm đưa nước sinh hoạt về vùng đất phèn Tân Phước.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm cấp nước mới; đồng thời hoàn chỉnh các công trình cấp nước đang triển khai thực hiện; nâng cấp, sửa chữa các trạm cấp nước xuống cấp, hư hỏng; tiến hành xử lý các trạm cấp nước bị nhiễm đục hay các chất sắt, độ mặn, asen, colifoms...

Nhằm đảm bảo các trạm cấp nước hoạt động liên tục có hiệu quả, cung cấp nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho người dân, nhất là người dân nông thôn. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiến hành việc chuyển đổi mô hình quản lý trạm cấp nước từ tổ hợp tác sang doanh nghiệp.

HỮU NGHỊ

.
.
.