Nông dân Dương Văn Hồng: Đam mê & tâm huyết sẽ dẫn đến thành công
Cuối năm 1989, anh Dương Văn Hồng và chị Trương Thị Vân nên duyên chồng vợ, được cha mẹ cho ra riêng 2 công đất ở ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy. Những tháng ngày cặm cụi với bao giọt mồ hôi của đôi vợ chồng trẻ đã đổ xuống để cải tạo 2 công đất vườn tạp thành vườn chôm chôm. Trong khi chờ đến lúc thu hoạch, anh Hồng ngày đi làm mướn, đêm ra sông Ba Rài câu tôm để lo cơm, áo, gạo, tiền…
Ngày qua ngày, chôm chôm kết trái nhưng hiệu quả không như mong đợi. Thế là anh chị phải bỏ chôm chôm, thay vào là sầu riêng khổ qua và lại một lần nữa gặp thất bại vì sầu riêng khổ qua rớt giá liên tục, lại thay đổi cây trồng. Phải chờ gần 5 năm, những gốc sầu riêng Ri 6 trong vườn của anh Hồng bây giờ mới sắp ra hoa lứa đầu.
Anh Hồng và chị Vân chăm sóc đàn heo của mình. |
Bên cạnh việc cải tạo khu vườn, anh chị Hồng còn chăn nuôi heo. Khởi đầu, năm 2000 anh chị nuôi 1 heo nái, đến năm 2009 chuồng heo gia đình anh đã có 30 nái và nhiều heo thịt, heo con. Thế nhưng năm 2010 dịch heo tai xanh đã làm anh chị mất đi gần 400 triệu đồng. Nhìn chuồng trại vắng tanh, chị trào nước mắt, tinh thần không khỏi sa sút, nhưng với niềm đam mê chăn nuôi, anh động viên vợ: “Coi như năm xui, tháng rủi, mình cố gắng làm lại từ đầu”.
Được Công ty cổ phần Thức ăn gia súc Green Fecd Việt Nam hỗ trợ, anh chị đã gầy dựng lại với 9 con heo nái và 6 con heo tơ. Chuồng trại vừa ổn định và trên đà phát triển, tinh thần cũng vừa vực dậy thì cơn dịch heo tai xanh kế tiếp lại “viếng thăm”, nhưng lần này nhờ anh được tham gia lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi, biết cách phòng, trị bệnh cho heo nên thiệt hại không đáng kể. Hiện tại, anh chị có 20 con heo nái và 100 heo thịt, thu nhập bình quân từ heo mỗi năm 200 triệu đồng (theo thời điểm hiện nay).
Anh Hồng trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) và xử lý môi trường theo quy trình hướng dẫn của Sở Tài nguyên - Môi trường: Chất thải từ chuồng heo cho qua hầm lắng, đến hầm cá (anh có ao cá trê phi rất lớn); từ ao cá này thông qua 2 hầm lọc (được trồng lục bình, rau muống, bèo) cho nên khi nước ra kinh rạch không đen và không có mùi hôi.
Anh tâm sự: “Tôi thấy rằng những ai có lòng đam mê nghề nghiệp và tâm huyết với công việc chắc chắn sẽ thành công. Qua kiến thức học tập và kinh nghiệm tích lũy, tôi đã chia sẻ với các bạn cùng nghề trong xóm, hỗ trợ cho anh em con giống, giúp họ những khi heo đẻ khó, heo bệnh vì tôi đã qua lớp sơ cấp thú y. Sắp tới, tôi sẽ tăng đàn heo lên 50 con nái và phát triển heo thịt. Yêu nghề chăn nuôi và trồng trọt, tôi đã cho con trai của mình theo học 2 chuyên ngành: Trồng trọt và Thú y…”.
Chị Vân chia sẻ một câu thật ngắn gọn: “Những lúc gặp khó khăn, vợ chồng an ủi, động viên nhau vượt qua. Việc gì cũng bàn tính cùng nhau rồi mới bắt tay vào làm, thất bại không hề nản lòng, không đổ lỗi cho nhau”.
Từ 2 công đất cha mẹ cho lúc ra riêng, qua bao năm cần kiệm, siêng năng, anh chị đã mua thêm 3,5 công đất nữa và xây cất nhà khang trang, con cái được học hành đàng hoàng.
Với tinh thần lao động cần cù và có hiệu quả, 6 năm liền anh Dương Văn Hồng được công nhận là Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
ÁI QUỲNH