Thứ Sáu, 04/07/2014, 11:13 (GMT+7)
.

Vĩnh biệt Anh hùng Hồ Bé!

Vậy là anh đã ra đi. Xin vĩnh biệt anh - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Hồ Bé (Hồ Văn Bé)!

Vĩnh biệt anh, kỷ niệm giữa anh và tôi lại ùa về, nên tôi viết những dòng này như là một nén hương lòng kính viếng anh, đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Còn nhớ những ngày trong quân ngũ, tôi đã từng làm trợ lý cho anh khoảng 10 năm. Khi anh là Trung tá, Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm Hậu cần Trường Văn hóa Quân khu 9 thì tôi làm trợ lý Quân lương; khi anh lên Đại tá, làm Phó Sư đoàn trưởng Hậu cần Sư đoàn 868 thì tôi làm trợ lý Sản xuất cho anh.

Tôi không thể quên những năm làm lúa trong vùng Đồng Tháp Mười, anh đến kiểm tra, chẳng khác gì một ông nông dân đi thăm ruộng lúa của mình. Cũng quần xắn cao quá gối, đi chân đất, lội ào ào, không có chỗ nào anh không lội tới. Ăn cơm trưa giữa đồng, chỉ có hột vịt luộc dầm nước mắm với bông súng, anh không câu nệ, ngồi xổm ăn một cách ngon lành.

Có lần đi nhận hàng, xong xuôi tôi cho anh em về trước, mình ở lại thanh toán về sau. Ai dè trên đường về, cậu lái xe hứng chí cho cậu thủ kho lái thử, lớ ngớ thế nào tông vào đuôi chiếc xe chở khách. Lần đó tôi bị anh phê bình một trận tơi bời và kỷ luật cảnh cáo tôi, do “người chỉ huy cao nhất” trên xe thiếu trách nhiệm, để xảy ra sự cố. Báo hại năm đó tôi bị treo quân hàm đại úy mất 1 năm.

Anh hùng LLVT Hồ Bé (thứ 2 từ trái qua) đi thăm nạn nhân vùng lũ.
Anh hùng LLVT Hồ Bé (thứ 2 từ trái qua) đi thăm nạn nhân vùng lũ.

Không chỉ nghiêm khắc với cấp dưới, mà anh còn nghiêm khắc với chính mình. Vui lắm trong các buổi liên hoan, tiệc tùng, anh chỉ nhấp một chút rượu, chưa bao giờ tôi thấy anh văng tục, chửi thề.

Trước đây anh nghiện thuốc lá rất dữ, bịch thuốc rê to đùng lúc nào cũng kè kè bên mình, hút vừa hết điếu này là anh đã vê điếu khác. Vậy mà đùng một cái, anh tuyên bố bỏ thuốc và bỏ cái rụp - một việc rất khó khăn mà không phải ai ghiền thuốc nặng như anh cũng làm được.

Có người nói: “Thời thế tạo anh hùng”, nhưng cũng có người cho rằng: “Anh hùng tạo thời thế”. Riêng tôi lại nghĩ, muốn trở thành Anh hùng, trước hết người đó phải có phẩm chất của một Anh hùng. Cái chất Anh hùng trong con người anh Hồ Bé cứ hiện ra lồ lộ, từ những việc làm bình thường nhất, nhỏ nhất.

Tháng 4-1962, rời khỏi cây cuốc, cây cày, anh cầm súng lên đường đi chiến đấu. Sau 37 năm, rời khỏi cây súng, anh lại trở về làm một người nông dân. Trong bộ quân phục bạc màu, anh lên liếp trồng cả trăm gốc xoài, rồi đào cả ngàn mét vuông ao nuôi cá.

Phụ với vợ, anh cũng xắn quần vào chuồng tắm rửa cho heo, mắc võng nằm canh heo đẻ. Trong chuồng của gia đình anh lúc nào cũng có khoảng 20 heo nái và cả trăm heo thịt. Nhìn anh, mấy ai biết đó là một Anh hùng.

Ổn định cuộc sống gia đình, anh lại say mê làm công tác xã hội. Hết làm Phó Bí thư Chi bộ, anh lại trúng cử vào Ủy viên Thường vụ BCH Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh. Tôi về làm báo, tham gia chuyên mục “Lính về làng”, lại có dịp cùng anh đi thăm hỏi những CCB nghèo khó, bệnh tật; khuyến khích, động viên những người lính năm xưa chăm lo sản xuất - kinh doanh, xóa đói giảm nghèo.

Nghỉ hưu rồi, nhưng nhiệt huyết và chất Anh hùng trong anh vẫn còn hừng hực lắm. Anh bảo: “Đã không làm thì thôi, làm phải đến nơi, đến chốn, làm hết sức mình”. Phong trào Hội CCB phát triển mạnh mẽ, trong đó có một phần công sức đóng góp của anh.

Tháng 4-2005, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin được thành lập, anh được bầu làm Chủ tịch Hội. Việc mới, người mới, anh lại cùng các thành viên trong BCH lặn lội đi tuyên truyền, vận động phát triển hội viên và thành lập các tổ chức cơ sở hội ở khắp 10 huyện, thành, thị. Tôi làm báo, đi nhiều, phát hiện được trường hợp nạn nhân nào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, về phản ánh với anh là ngay lập tức anh tổ chức đi thăm hỏi và tìm mọi cách tuyên truyền, vận động giúp đỡ.

Điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ ở ấp Tân Bình, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước) vừa là nạn nhân, vừa là thương binh, có người con sống cuộc đời thực vật, hoàn cảnh gia đình nghèo đến nỗi căn nhà của ông được ví như “khách sạn ngàn sao”. Chứng kiến tận mắt, anh về bàn bạc với BCH và quyết định trích 5 triệu đồng tiền quỹ; đồng thời ra sức vận động để xây tặng cho ông Dũng căn nhà tình nghĩa.

Bất kể đó là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ hay trời mưa, anh xắn quần lội vào từng nhà nạn nhân thăm hỏi, động viên, tặng quà khiến tôi vô cùng kính phục. Con người của anh là vậy, tính cách của anh là vậy, cái chất Anh hùng trong con người anh luôn thể hiện ra trong từng công việc nhỏ nhất.

Thăm 3 anh em mù bẩm sinh ở xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, anh cẩn thận vạch mắt ra xem còn có thể chữa trị được không. Thăm gia đình em Âu Thị Diễm Lan, một nạn nhân nghèo hiếu học ở huyện Cái Bè, anh đã bàn bạc với Hội vận động xây tặng cho gia đình căn nhà tình thương.

Nghe anh nói về dự định của Hội trong tương lai mà cảm phục: “Sẽ đề nghị xin tỉnh một khu đất để xây dựng một bệnh viện chuyên chữa trị cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin; sẽ mở trường lớp dạy học, dạy nghề nhằm giúp cho các nạn nhân có điều kiện học hành, có nghề... Hiện đã có một số tổ chức, cá nhân hứa tài trợ, nhất định chúng tôi sẽ làm được”.

Chuyện về cuộc đời của Anh hùng LLVTND Hồ Bé có thể viết thành một cuốn sách. Dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất cứ cương vị nào, bản chất Anh hùng trong con người anh vẫn luôn thể hiện một cách rõ nét nhất.

Chúng ta hãy đọc những dòng chữ anh ghi nắn nót trong cuốn sổ tay của mình để hiểu về tấm lòng của anh, trách nhiệm của anh, trọng trách mà anh đang được giao phó: “Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau còn đọng lại. Có những người sinh ra nhưng không được sống như một con người, vì thân hình dị dạng, tật nguyền. Nạn nhân chất độc da cam/dioxin là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ, người nghèo nhất trong những người nghèo. Hãy đến với họ, đó là thông điệp của lương tri, của tình thương và lòng nhân ái”.

Từ trước tới nay anh đã nói là làm và quyết tâm làm bằng được, đó là phẩm chất của một Anh hùng. Vậy mà, sao anh nỡ vội ra đi!

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.