Thứ Ba, 19/08/2014, 10:43 (GMT+7)
.

Chấn chỉnh việc vận động đóng góp của dân để xây dựng nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công văn 1447/TTg-KTN về việc chấn chỉnh huy động đóng góp của dân để thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới.

Trong gần 4 năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân đã chung sức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó sản xuất phát triển, đời sống của nông dân được cải thiện và nâng cao.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại khởi sắc cho nông thôn, tuy nhiên còn nhiều việc phải làm để nông dân được hưởng xứng đáng với những gì họ đã đóng góp. Ảnh: Vân Anh
Các cấp chính quyền không được để việc xây dựng nông thôn mới làm tăng gánh nặng cho người dân.

Tuy nhiên một số địa phương còn có tình trạng nóng vội, chạy theo thành tích, huy động đóng góp của dân còn tùy tiện, quá mức, nhất là đối với các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Chính phủ yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một số việc chính sau sau:

Việc huy động đóng góp của người dân cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân.

Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân; không được yêu cầu những hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách phải đóng góp. Đồng thời, phải tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia.

Xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn với phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; tuyệt đối không để tình trạng xây dựng nông thôn mới làm tăng gánh nặng, tăng nghèo cho người dân; chú trọng hướng dẫn, tổ chức, hỗ trợ người dân thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, tạo cảnh quan môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống của người dân nông thôn.

Địa phương để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, gây khó khăn trong việc xác nhận và giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân theo chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước... thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải được kiểm điểm để xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

VÂN ANH

.
.
.