Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Trong những ngày này cả nước đang hướng về kỷ niệm 53 năm “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam” (10-8-1961 - 10-8-2014). Thảm họa da cam đã tàn phá biết bao thế hệ con người Việt Nam. Họ đang từng ngày phải gánh chịu nỗi đau về thể xác và tinh thần do di chứng của chất độc da cam để lại. Những lời thăm hỏi, những phần quà tới tận tay các nạn nhân trong lúc này phần nào giúp họ vơi đi nỗi đau, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam tại huyện Cái Bè. |
Theo chân đoàn cán bộ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ban ngành đoàn thể tỉnh đến tặng quà cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh, chúng tôi không khỏi xúc động, ngẹn ngào trước những bước chân xiêu vẹo, khập khiểng; những ánh mắt ngơ ngác, và cả những cái cười bâng quơ, vô nghĩa, nhăn nhó, méo sệt.....bởi những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang ngày đêm bị giày vò về thể xác, tinh thần.
Anh Trương Văn Huyện (Tân Thanh, Cái Bè) có con là Trương Văn Quốc đã 20 tuổi bị nhiễm chất độc da cam ngay từ khi lọt lòng, anh Huyện nói trong nước mắt: "Đã 20 năm nay cháu Quốc chỉ nằm một chỗ, cháu không ngồi được, mọi sinh hoạt đều cần có người trợ giúp. Hàng ngày, phận làm cha, làm mẹ như chúng tôi đau thắt lòng trước những cơn đau do da cam hành hạ thể hiện rõ qua những cái rùng mình và những lần nhăn nhó đầy đau đớn của cháu. Tôi như bất lực trước nỗi đau ấy...".
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có gần 10.000 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; trong đó có 1.600 nạn nhân hưởng trợ cấp theo chế độ người có công; gần 5.000 nạn nhân hưởng theo Nghị định 13 của Chính phủ.
Những ngày qua, không riêng gì cả nước, khắp nơi trong tỉnh đang tất bật mang những phần quà trao tận tay các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Dịp này, các cấp hội trong tỉnh sẽ trao tất cả 4.600 phần quà (mỗi phần trị giá 200.000 đến 300.000 đồng) cho những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Giá trị phần quà tuy không lớn nhưng qua đó phần nào thể hiện được tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng cùng chung tay xoa dịu nỗi đau mà họ phải ngày đêm gánh chịu. Ai nấy đều rất phấn khởi, vui mừng khi nhận được các phần quà.
"Chúng tôi rất vui mừng vì được sự quan tâm của cộng đồng. Hàng năm, mỗi khi có dịp lễ, tết hay ngày vì nạn nhân da cam chúng tôi đều được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm bằng những phần quà tinh thần. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương thường đến thăm hỏi, động viên chúng tôi. Từ đó, chúng tôi phần nào cũng vơi đi mặc cảm mà sống hòa nhập với cộng đồng" - anh Trương Thanh Bạch (Tân Phước, Gò Công Đông) xúc động, nghẹn ngào cho biết.
Hàng năm các cấp, các ngành luôn xác định việc chăm lo cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin là nhiệm vụ cấp thiết cần được quan tâm. Vì thế, công tác vận động, chăm lo và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nạn nhân có thể vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, sự mặc cảm để họ có thể vươn lên có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Trước mắt, chúng ta cần quan tâm nhiều đến các đối tượng này. Họ đã chịu nhiều nỗi đau về thể xác và tinh thần. Đồng thời, chúng ta cần chung tay với cộng đồng, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của mình cùng xoa dịu nỗi đau này và vận động các nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... hỗ trợ cho nạn nhân để họ có thể vươn lên trong cuộc sống".
Có thể nói, chất độc da cam vẫn còn hiện hữu giữa cuộc sống đời thường, nó vẫn tiềm ẩn trong tâm hồn, thể xác của những mảnh đời vô tội. Biết bao nước mắt của những người mẹ, người cha, người anh em, người con…đã rơi nhưng vẫn không thể xoa dịu nỗi đau ấy.
Chính vì thế rất cần sự chung tay của cộng đồng cùng xoa dịu nỗi đau da cam và thấp thoáng đâu đó có những cái cười nhăn nhó, méo sệt nhưng không phải là cái cười của nỗi đau mà là cái cười của niềm vui, niềm hạnh phúc vì cảm thấy mình được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn.
MINH TOÀN