Huyện Cai Lậy: Nỗ lực đưa hàng Việt về nông thôn
Trong những năm qua, huyện Cai Lậy đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong đó có việc chú trọng đưa hàng Việt về nông thôn, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng nhiều hơn các sản phẩm có uy tín, chất lượng do Việt Nam sản xuất.
Khảo sát tại chợ Thạnh Lộc, một trong những chợ đầu mối được xây dựng khá khang trang với 106 quầy sạp, lượng hàng Việt Nam chiếm ưu thế. Tại quầy kinh doanh mặt hàng nhôm, nhựa gia dụng của anh Nguyễn Thành Trung, phần lớn hàng hóa bày bán đều sản xuất tại Việt Nam với các nhãn hiệu Duy Tân, Hoàn Cầu, Bình Minh, Thành Phát… Anh Trung cho biết:
“Thời gian gần đây khi mua sắm, đa số khách hàng đều quan tâm đến nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra kỹ nhãn mác nên khi nhập hàng, tôi ưu tiên chọn hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Tại quầy của tôi, 90% hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam và các sản phẩm này bán khá chạy”.
Theo các tiểu thương kinh doanh tại chợ Thạnh Lộc, hàng Việt chiếm ưu thế xuất phát từ nhu cầu của người dân, họ bắt đầu có sự so sánh giá cả và chất lượng của hàng Việt với hàng ngoại nhập để lựa chọn phù hợp túi tiền.
Tiểu thương chợ Thạnh Lộc bày bán hàng hóa với số lượng hàng Việt chiếm ưu thế. |
Sau 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở huyện Cai Lậy đã có những tác động nhất định, làm thay đổi tâm lý tiêu dùng trong đại bộ phận người dân nông thôn, khi ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Theo chị Lê Thị Lan Vy ở ấp 5, xã Phú An, trước đây chị chỉ quan tâm đến giá cả trong việc mua sắm nhưng hiện nay, điều chị quan tâm còn là xuất xứ và chất lượng hàng hóa. Những nhãn hiệu uy tín, được bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao luôn là lựa chọn đầu tiên của chị.
Chị Vy cho biết: “Tôi thấy các mặt hàng do Việt Nam sản xuất gần đây có cải tiến về mẫu mã, chất lượng, giá cả lại hợp lý. Vì vậy, từ các mặt hàng dùng hàng ngày trong gia đình như bột giặt, nước rửa chén, dầu ăn, gia vị, đồ gia dụng, đến giày dép, quần áo may sẵn tôi đều ưu tiên chọn hàng Việt Nam”.
Chuyển biến về nhận thức của người tiêu dùng ở huyện Cai Lậy trong việc ưu tiên lựa chọn hàng Việt là kết quả của sự vào cuộc tích cực của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam huyện, trong đó công tác tuyên truyền được thực hiện hiệu quả.
Qua hình thức lồng ghép trong hội nghị, sinh hoạt của các tổ chức Đảng, đoàn thể, các cuộc họp dân để người dân hiểu rõ mục đích của cuộc vận động cũng như việc ưu tiên sử dụng hàng Việt là biểu hiện của lòng yêu nước; đồng thời, cán bộ, công chức cũng đã thực hiện vai trò nêu gương, tự giác hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Từ đó, góp phần xây dựng nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng. Các cơ quan, công sở khi mua sắm đồ dùng, thiết bị phục vụ công việc cũng ưu tiên lựa chọn các mặt hàng do Việt Nam sản xuất.
Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam huyện còn tập trung công tác quảng bá hàng Việt, khuyến khích các tiểu thương đẩy mạnh khâu phân phối tại 17 điểm chợ trên địa bàn huyện; đồng thời tổ chức các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”. Trong 5 năm qua (năm 2009 - 2014) có 83 phiên chợ, chuyến hàng Việt về nông thôn được tổ chức trên địa bàn huyện, với giá ưu đãi, thu hút khá đông người dân tham gia mua sắm.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, thực hiện tiêu chí Chợ nông thôn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ngoài kinh phí nhà nước đầu tư, còn đẩy mạnh hình thức xã hội hóa nên cơ sở hạ tầng các chợ khá khang trang, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, trao đổi hàng hóa.
Qua khảo sát, có 85% lượng hàng lương thực, thực phẩm, may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm được bày bán tại các chợ, cửa hàng tạp hóa ở khu vực nông thôn là sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được thực hiện có hiệu quả, thông qua việc tiếp nhận các thông tin liên quan đến chất lượng hàng hóa, thanh tra, kiểm tra ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, nhất là ở khu vực nông thôn.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở huyện Cai Lậy đã thực sự làm thay đổi cách nghĩ của nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối cũng như người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện chú trọng hơn đến việc sản xuất hàng hóa chất lượng, giá cả cạnh tranh. Riêng các đơn vị phân phối và tiểu thương kinh doanh ở các chợ trên địa bàn huyện đã quan tâm hơn đến chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Còn người tiêu dùng thì ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng hóa Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
TRƯỜNG GIANG