Thứ Hai, 18/08/2014, 15:28 (GMT+7)
.

Một tấm lòng vì nạn nhân da cam

Trăn trở với những mảnh đời nghiệt ngã, ông Cao Thanh Hoàng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy đã dành nhiều tâm huyết và công sức chăm lo, hỗ trợ các nạn nhân.

Ông Cao Thanh Hoàng (trái) và anh Nguyễn Văn Phước bên “Mái ấm tình thương” vừa hoàn thành.
Ông Cao Thanh Hoàng (trái) và anh Nguyễn Văn Phước bên “Mái ấm tình thương” vừa hoàn thành.

Có mặt cùng ông trong chuyến thăm 1 nạn nhân chất độc da cam ở ấp Hiệp Thạnh mới hiểu tấm lòng của ông dành cho công tác xã hội. Trong “Mái ấm tình thương” khang trang, anh Nguyễn Văn Phước xúc động cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của chú Hoàng mà tôi có được “mái ấm” này. Từ ngày về ở trong căn nhà mới, tôi đã không còn lo sợ khi mùa mưa bão đến”.

Bị khuyết tật đôi chân từ nhỏ vì ảnh hưởng của chất độc da cam, anh Phước có lúc sống trong mặc cảm, tự ti. Không thể lao động nặng nhọc, anh làm công cho một cơ sở sản xuất bánh rế, thu nhập bấp bênh nên sinh hoạt hàng ngày là chuyện còn phải lo, không dám nghĩ đến việc cất được chỗ ở lành lặn.

Bởi thế khi căn nhà mới được dựng lên từ sự quan tâm, sẻ chia của chính quyền, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xã Hiệp Đức và đóng góp của những tấm lòng hảo tâm xa gần, niềm vui trong anh thật không sao tả xiết.

5 năm gắn bó với công tác Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Hiệp Đức, ông Cao Thanh Hoàng đã giúp đỡ biết bao cảnh đời như anh Phước. Không thù lao, không phụ cấp nhưng ông vẫn gắn bó với công việc bằng tấm lòng và trách nhiệm.

Theo thống kê, xã Hiệp Đức có 96 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đa số nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2009, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Hiệp Đức được thành lập, ông Hoàng đã dành thời gian tìm hiểu, điều tra đối tượng, hỗ trợ hoàn tất hồ sơ để các nạn nhân hưởng trợ cấp theo quy định của Nhà nước.

Ông còn thường xuyên thăm hỏi, động viên những gia đình có người bị phơi nhiễm chất độc da cam vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. Trung bình mỗi năm ông Hoàng vận động được trên 100 triệu đồng cho hoạt động xây dựng nhà, hỗ trợ xe lăn, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết… cho các nạn nhân.

Theo ông Cao Thanh Hoàng, khi tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh, ông càng quyết tâm gắn bó với công tác hội. Ông tâm sự: “Từng tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được sống trong hòa bình độc lập hôm nay đối với tôi đã là may mắn hơn rất nhiều đồng đội.

Tiếp tục giúp đỡ đồng chí, đồng đội và con cháu họ vơi bớt nỗi đau do di chứng chất độc da cam của cuộc chiến tranh xâm lược Mỹ gây ra cũng là trách nhiệm của người lính thời bình”. Với suy nghĩ đó, bước sang tuổi 71, nhiều người đã nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu nhưng ông Cao Thanh Hoàng vẫn tích cực với hoạt động hội. Bởi với ông, thêm một cảnh đời được giúp đỡ, ông lại có thêm niềm vui trong
cuộc sống.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.