Thứ Sáu, 01/08/2014, 14:00 (GMT+7)
.

Những vấn đề cần lưu ý đối với công tác PCCC trong mùa mưa

Thông thường, mọi người vẫn hay nghĩ rằng: Vào mùa khô, thời tiết nắng nóng nên hỏa hoạn thường hay xảy ra. Vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được chú trọng thực hiện chặt chẽ hơn. Còn vào mùa mưa, một số người lại chủ quan nên lơi lỏng việc PCCC.

Thực tế, sự cố cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu lơ là trong công tác phòng ngừa, cho dù đó là mùa mưa. Theo thống kê từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh, trong mùa mưa năm 2013 (từ tháng 6 - tháng 11), trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy.

Nguyên nhân thì có nhiều, như: Bất cẩn sử dụng lửa trong đun nấu, quá trình sang chiết xăng phát sinh tĩnh điện gây cháy… Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất là 11/16 vụ  cháy có nguyên nhân từ sự cố điện. Tổng thiệt hại tài sản trong các vụ cháy khoảng 5,93 tỷ đồng, làm bị thương 1 người.

Sự cố điện cũng chính là nguyên nhân gây cháy nhiều nhất trong mùa mưa bởi có thể bị chạm, chập, sấm, sét, quá tải… Đơn cử như vụ cháy lớn xảy ra vào ngày 8-10-2013 tại chợ trái cây Thạnh Trị thuộc phường 4, TP. Mỹ Tho.

Nguyên nhân gây cháy là do sử dụng điện quá tải. Vụ cháy đã thiêu rụi 53 ki - ốt vựa trái cây, 2 nhà dân và các hàng hóa, vật dụng kinh doanh, vật dụng sinh hoạt, tổng tài sản thiệt hại ước tính trên 5 tỷ đồng. Rất may không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh đã trắng tay, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Do đó, để phòng tránh cháy, nổ xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho chính mình và cho người khác, phải lưu ý một số vấn đề sau:

Phải thường xuyên kiểm tra các thiết bị câu móc điện, nếu thấy bị bong tróc cần thay thế ngay để tránh chập điện gây cháy. Khi đun nấu thức ăn, nước uống bằng gas, sử dụng củi hoặc than để sưởi ấm phải trông coi, không lơ là, hoặc làm công việc khác, không để trẻ em tự nấu thức ăn khi ở nhà một mình.
Đối với hộ kinh doanh:

Cần trang bị bình chữa cháy tại chỗ và biết cách sử dụng khi cần thiết. Hàng hóa phải chất gọn gàng, ngăn nắp, không đốt nhang thờ cúng trong cửa hàng, nhất là kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như vải sợi, đồ nhựa…

Đối với chợ, siêu thị, cơ quan, doanh nghiệp, công ty: Ban quản lý phải thường xuyên kiểm tra các thiết bị PCCC tại chỗ, nhắc nhở các hộ kinh doanh quầy hàng, sạp phải gọn gàng, không đun nấu gần chất dễ gây cháy.

Nhân viên hoặc bảo vệ công ty, doanh nghiệp phải được bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC; định kỳ thực tập PCCC tại chỗ để biết cách sử dụng trang thiết bị khi cần thiết; phải có hệ thống còi báo động cháy, cửa thoát hiểm. Trước khi rời khỏi nơi làm việc phải tắt các thiết bị điện. Khi câu mắc bóng đèn chiếu sáng phải đúng khoảng cách an toàn, thiết bị dây điện phải được luồng trong ống nhựa hoặc âm tường để bảo đảm an toàn phòng cháy.

Các nhà máy xay xát lúa, gạo phải thường xuyên kiểm tra máy móc vận hành có gắn thiết bị điện. Sắp xếp hàng hóa không che khuất lối đi, các thiết bị điện, dây dẫn điện sử dụng lâu ngày cần thay thế để bảo đảm an toàn.

Mặc dù là mùa mưa, nhưng nguy cơ cháy rừng vẫn có thể xảy ra vì nước ta có khí hậu nắng nóng. Ở địa phương có diện tích rừng tràm, trước tiên cần tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng như: Không sử dụng lửa để bắt ong, hút thuốc không vứt tàn bừa bãi vì lá cây là chất dễ gây cháy lan.

Người dân sống xung quanh rừng tràm khi chuyển đổi cây trồng phải thông báo chính quyền địa phương để được hỗ trợ chống cháy. Địa phương cần quan tâm thành lập ban chỉ đạo, đội chữa cháy tại chỗ, lập chòi canh, lắp các biển báo cấm các tuyến ven rừng, trang bị mới phương tiện như máy bơm, vòi phun, phân công lực lượng dân phòng thường xuyên kiểm tra rừng tràm.

Để sự cố cháy không xảy ra, ý thức trong phòng ngừa cháy, nổ là một trong những yếu tố quan trọng. Cần thực hiện nghiêm để bảo đảm an toàn cuộc sống.

THANH VIỆT

.
.
.