Rộn ràng hướng về ngày kỷ niệm thành lập huyện Tân Phước
Dễ nhận thấy nhất khi đến huyện Tân Phước vào những ngày này là đường phố rực rỡ cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu, pa nô lớn nhỏ. Trong không khí phấn khởi kỷ niệm 20 năm ngày thành lập huyện (1994 - 2014), đi đến đâu chúng tôi cũng đều nghe lời nhận xét: “Vùng đất phèn hoang hóa ngày nào nay đổi thay nhiều quá” và tất cả người dân nơi đây đều có chung cảm xúc rộn ràng.
CHÚ LÊ VĂN ĐỢI (70 TUỔI) NÔNG DÂN XÃ TÂN HÒA TÂY: Tân Phước đang từng ngày phát triển
Chú Lê Văn Đợi, một nông dân chính hiệu, đã gắn bó với vùng đất phèn này gần 20 năm. Chú Đợi tâm sự: “Tôi và gia đình từ xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy vô xã Tân Hòa Tây khai hoang từ những ngày đầu thành lập huyện.
Tôi thấy trong 20 năm qua Tân Phước đã có sự phát triển, đổi thay vượt bậc, thần kỳ. Nếu như trước kia, Tân Phước là vùng đất còn hoang hóa, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn thì nay đã đổi thay nhiều lắm. Nhiều mô hình kinh tế phát triển như: lúa, khóm, thanh long… Những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều, đời sống nhân dân được cải thiện, đường bê tông dần thay thế các con đường sình lầy”.
“Được đầu tư xây chợ, trường học, bệnh viện… người dân nơi đây ai cũng thấy phấn khởi. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tỉnh và huyện tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao đời sống cho người dân trong huyện. Đặc biệt, huyện cần hỗ trợ giúp nhân dân chuyển đổi những cánh đồng kém hiệu quả thành những cánh đồng nông nghiệp năng suất, chất lượng cao” - chú Đợi chia sẻ.
BÀ NGUYỄN THỊ TIỂU (80 TUỔI) KHU 3, THỊ TRẤN MỸ PHƯỚC: Tự hào là người dân của huyện Tân Phước
Gặp bà Nguyễn Thị Tiểu tại chợ Tân Phước, bà bảo: “Bà sinh ra và lớn lên ở đây. Sau ngày thành lập huyện thì bà nấu cơm cho Văn phòng Huyện ủy. Sau này vì lớn tuổi nên bà nghỉ. Giờ ở nhà bà trồng rau, rảnh thì đem ra chợ bán.
Ngày trước, Tân Phước đâu được như bây giờ. Đường sá, điện, nước, trường học đều rất khó khăn. Còn nhớ, ngày trước đến mùa nước lũ toàn đi xuồng, trẻ con đi học vất vả lắm”.
Nhìn dòng người qua lại trên những tuyến đường nhựa thẳng tắp, người người mua bán tấp nập, bà Tiểu tự hào:
“Tân Phước ngày nay đã thay da đổi thịt. Chỉ mong sao đời sống người dân ngày càng được nâng lên, ai cũng có việc làm, đoàn kết giúp đỡ nhau. Đảng, chính quyền hết lòng tạo điều kiện cho dân, còn dân luôn ủng hộ Đảng, chính quyền, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng góp sức xây dựng quê hương Tân Phước ngày càng giàu đẹp”.
CÔ HUỲNH THỊ BẢY (64 TUỔI) KHU 1, THỊ TRẤN MỸ PHƯỚC: Mong sao nhà nhà no ấm
Cũng như bao người dân khác, gia đình cô Huỳnh Thị Bảy vào vùng đất Tân Phước khai hoang cũng đã hơn 20 năm. Có 7 công đất trồng lúa, cô Bảy còn tranh thủ buôn bán ở chợ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cô Bảy tâm sự:
“Lúc trước chưa có chợ, tiểu thương ở đây buôn bán rất khó khăn. Không có chỗ ngồi cố định, cô phải mang thau cá đi tới, đi lui để bán. Giờ có ngôi chợ khang trang, sạch đẹp vừa được xây dựng, tiểu thương ở đây ai cũng mừng”.
Vùng đất này ngày xưa, trẻ con phải lội bộ hàng cây số để đến trường, khu vui chơi, giải trí cũng chẳng có. Ngày nay, Tân Phước đã đổi thay, đã có Trung tâm Văn hóa - Thể dục - Thể thao, đường sá thì rộng rãi, trường lớp khang trang.
“Chỉ mong kinh tế của huyện mình ngày càng phát triển hơn nữa, nâng cao cả đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Người dân thì có ý thức bảo vệ môi trường, tránh xa các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc” - đây không chỉ là mong muốn của riêng cô Bảy mà là của tất cả người dân huyện Tân Phước hôm nay.
P. MAI (lược ghi)