Thứ Hai, 15/09/2014, 16:39 (GMT+7)
.

Áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ bảo hiểm xã hội

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội (BHXH)  tỉnh, trong thời gian qua mặc dù BHXH đã tiến hành nhiều biện pháp trong công tác thu hồi nợ đọng, phân loại nợ theo thời gian để theo dõi đối với các trường hợp đơn vị mất tích, không còn giao dịch với cơ quan BHXH nhưng tình trạng nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn còn phổ biến.

Bên cạnh một số đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT đầy đủ, kịp thời đúng thời gian quy định vẫn còn nhiều đơn vị chây ỳ, nợ thời gian dài với số tiền lớn làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hưởng các chế độ của người lao động.

Theo đó, theo số liệu quyết toán thu đến quý II-2014, số nợ BHXH, BHYT toàn tỉnh là trên 51 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5% so với  tổng số phải thu cả năm. Trong đó, đơn vị sử dụng lao động nợ trên 45 tỷ đồng, chiếm 88%. Điểm đáng chú ý là có 45 đơn vị ngừng hoạt động, không còn giao dịch hoặc không còn quan hệ với BHXH, với số tiền còn nợ là 4,8 tỷ đồng.

Đánh giá về nguyên nhân nợ BHXH, BHYT, đại diện BHXH tỉnh cho biết có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp (DN) là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh chế biến lương thực, thủy sản; nhiều DN làm ăn kém hiệu quả, sản xuất xong không bán được sản phẩm, không thu hồi được nợ của khách hàng; chậm thanh toán dẫn đến hoạt động cầm chừng, khó khăn về tài chính, đơn vị nợ lương, nợ BHXH, BHYT.

Một bộ phận đơn vị chưa có ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, có biểu hiện trốn đóng, chây ỳ, chấp nhận mức xử phạt hành chính hoặc bị tính lãi chậm nộp để chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT để bổ sung vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD).

Nhiều đơn vị bị giải thể, phá sản, DN tạm ngừng hoạt động do bị rút giấy phép kinh doanh; DN làm ăn thua lỗ bị ngân hàng siết nợ, phát mãi tài sản nên không có khả năng trả nợ BHXH, BHYT. Mặt khác, khi thực hiện thủ tục giải thể, phá sản hoặc tạm ngừng SXKD hoặc thay đổi địa chỉ làm việc… nên cơ quan BHXH không liên hệ được với DN, gây khó khăn trong công tác quản lý đơn vị nợ và thu hồi nợ đọng của cơ quan BHXH.

Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng nợ BHXH. Chẳng hạn như, do chế tài chưa đủ mạnh, lãi suất chậm đóng thấp, mức xử phạt hành chính quy định còn chung chung chỉ mang tính răn đe; công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT của các cơ quan chức năng còn chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết; cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt chưa thực hiện triệt để, chưa áp dụng biện pháp trích tài khoản của đơn vị nợ nộp vào quỹ BHXH, BHYT.

Cũng có nguyên nhân là do cơ quan BHXH chưa kịp thời và thường xuyên phối hợp hiệu quả với các cơ quan quản lý nhà nước, ngành chức năng trong việc đôn đốc, thu hồi nợ đọng, nhất là đối với các trường hợp DN giải thể, phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh hoặc trong quá trình thi hành án theo phán quyết của tòa án khi khởi kiện ra tòa dân sự; chưa nắm sát tình hình hoạt động, diễn biến tài chính của đơn vị nợ để chủ động lập phương án thu hồi nợ, báo cáo lãnh đạo có biện pháp xử lý nhất là đối với những trường hợp đơn vị bị phong tỏa, phát mãi tài sản hoặc các trường hợp đơn vị đấu giá bán, tẩu tán tái sản…

Trước thực tế như hiện nay, BHXH tỉnh đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm xử lý nợ BHXH, BHYT. Theo đó, đối với các đơn vị nợ đang còn hoạt động SXKD, trường hợp DN nợ dưới 3 tháng, sẽ lập các biện pháp thu hồi nợ và  áp dụng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ như gửi thông báo nợ, mời đơn vị đến làm việc, nhắc nhở; trường hợp đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, ngoài những biện pháp đôn đốc, tiến hành lập biên bản xác định nợ.

Trường hợp đơn vị nợ có dấu hiệu chây ỳ, cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT sẽ gửi văn bản báo cáo tổ công tác liên ngành để tiến hành thanh kiểm tra các đơn vị nợ hoặc tiếp tục lập hồ sơ khởi kiện những đơn vị nợ ra Tòa án dân sự.

Trường hợp đơn vị bị rút giấy phép kinh doanh hoặc đang làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc bị phong tỏa, phát mãi tài sản sẽ có văn bản báo cáo với UBND tỉnh và gửi các cơ quan cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, tòa án, ngân hàng… đề nghị phong tỏa tài khoản, tài sản, phối hợp trong việc thu hồi nợ BHXH, BHYT theo quy định và gửi hồ sơ khởi kiện đơn vị này.

Trường hợp đơn vị mất tích không còn giao dịch, quan hệ với cơ quan BHXH sẽ tiếp tục theo dõi và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để thu hồi nợ BHXH, BHYT. Đồng thời báo cáo với cấp ủy, UBND các cấp, các ngành có liên quan để xác minh sự tồn tại của đơn vị nợ; thông tin danh sách đơn vị nợ lên các phương tiện thông tin đại chúng…

PHƯƠNG ANH

.
.
.