Chủ động ứng phó với các cơn bão mạnh
Thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, trong đó xuất hiện nhiều hơn những cơn bão mạnh và hướng về khu vực Nam bộ. Đặc biệt từ sau siêu bão Haiyan, vấn đề đặt ra cho các ngành, các cấp là cần phải có phương án phù hợp ứng phó với các cơn bão nói chung và bão mạnh nói riêng.
TĂNG SỐ LƯỢNG LẪN CẤP ĐỘ
Trong quá khứ, Nam bộ nói chung và Tiền Giang nói riêng đã từng hứng chịu thiệt hại nặng nề do bão gây ra. Chỉ tính từ năm 1997 đến nay, Nam bộ đã có 2 cơn bão đổ bộ làm cho hàng ngàn người chết và mất tích, thiệt hại đến trên chục ngàn tỷ đồng (dù rằng cấp độ gió của 2 cơn bão trên khi vào bờ đã giảm xuống dưới cấp 10). Riêng tại Tiền Giang, 2 cơn bão này đã làm 114 người chết và mất tính, thiệt hại ước tính 610 tỷ đồng.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, một số tác động lâu dài do việc nóng lên trên toàn cầu (các đợt nóng bất thường, nhiệt độ đại dương tăng, nước biển dâng) làm cho bão mạnh hơn, đường đi càng phức tạp, mùa bão kéo dài hơn trước (có năm bão xuất hiện từ đầu năm, kéo dài đến cuối năm), khuynh hướng ngày càng có nhiều cơn bão ảnh hưởng đến Nam bộ.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên khu vực Nam và giữa biển Đông tăng rõ rệt. Từ đó, cơ quan chuyên môn đặt vấn đề, phải chăng một vùng ổ bão mới hình thành trên khu vực này? Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, hệ thống công trình thủy lợi… của tỉnh chỉ mới ứng phó với các cơn bão có sức gió từ cấp 9 trở xuống và tỉnh cũng chỉ mới xây dựng được phương án ứng phó với các cấp bão này.
Người dân sơ tán tránh bão số 1 năm 2012 tại Trường Tiểu học Bình Nghị 1 (xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông). |
Ông Trần Văn Bình, Trung tâm Phòng, chống lụt bão khu vực miền Nam cho biết, bão trên biển Đông là ở vào giai đoạn cuối của bão Tây Bắc Thái Bình Dương di chuyển vào hoặc nảy sinh ngay trên biển Đông. Do biến đổi khí hậu, thời gian gần đây, trong khu vực xuất hiện nhiều cơn bão mạnh và ảnh hưởng đến Việt Nam.
Theo ghi nhận, bình quân hàng năm có khoảng 10 cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam. Riêng năm 2013, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới tăng lên đến 14 cơn và cũng là năm có số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam nhiều nhất (8 cơn).
“Thống kê cho thấy, trong 50 năm qua, ven biển Nam bộ, bão có xu hướng gia tăng và dịch chuyển xuống phía Nam. Trong tương lai, khu vực Nam biển Đông sẽ có bão mạnh cấp 12, cấp 13. Theo đánh giá của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, dưới tác động của biến đổi khí hậu, trong thế kỷ 21, cường độ bão sẽ tăng và vùng hình thành bão sẽ mở rộng do nhiệt độ toàn cầu tăng lên” - ông Bình cho biết.
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BÃO MẠNH
Từ nhận định xu thế thời tiết đã nêu trên, Tiền Giang được cho là đang và sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc ứng phó với bão, nhất là các cơn bão mạnh trong thời gian tới. Theo ông Bình, những thách thức đó là địa hình thấp, bằng phẳng, biên độ triều cao; phần lớn người dân còn chủ quan trong công tác phòng chống bão; ít kinh nghiệm trong bảo đảm thông tin liên lạc, điện lực, y tế, phối hợp lực lượng hậu cần, chỉ đạo, chỉ huy, ứng cứu…
Lực lượng tàu thuyền nhiều nhưng việc quản lý chưa chặt chẽ. Nơi neo đậu chưa bảo đảm (thiếu và không đáp ứng được khi có bão lớn). Việc quy hoạch dân cư chưa hợp lý (nhiều hộ sống quá gần bờ và vùng trũng thấp), còn nhiều nhà dân tạm bợ.
Phương án sơ tán dân tránh bão còn nặng về hình thức, nơi tập trung lại quá gần bờ và chưa thật bảo đảm an toàn, chưa phân biệt đâu là nhà kiên cố có thể chịu được bão lớn. Đường tránh bão chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là khi cần lưu thông với lưu lượng lớn.
Công tác dự báo, cảnh báo, thông tin, tuyên truyền đến tận người dân để chủ động phòng tránh còn hạn chế. Đặc biệt, Tân Phú Đông nằm biệt lập với đất liền nên khi bão xảy ra, nhất là những cơn bão mạnh, công tác phòng tránh rất khó khăn, trong đó có việc sơ tán dân, huy động phương tiện, hậu cần, nơi dân đến sơ tán…
Để nâng cao khả năng ứng phó, theo ông Lê Văn Đậu (Dự án Phòng chống giảm nhẹ thiên tai về nhà ở do gió, bão gây ra), cần tăng cường nhận thức cộng đồng về phòng tránh thiên tai, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, triển khai và nhân rộng mô hình “nhà an toàn hơn trong bão lũ”.
Bên cạnh các giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng và chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, ông Bình cho rằng, tỉnh cần xây dựng quy chế phối hợp quản lý chặt chẽ các phương tiện hoạt động trên biển, vùng cửa sông; đáp ứng tốt cơ sở hạ tầng phục vụ neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền.
Tỉnh cũng cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư ven biển, xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng tiêu chuẩn phòng, chống gió bão, lũ, nước biển dâng; tăng cường trồng rừng ven biển, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đê biển phù hợp với yêu cầu phòng, chống bão hiện nay; nâng cao năng lực cảnh báo thiên tai đến cộng đồng…
Còn đại diện Ban Chỉ huy (BCH) Phòng, chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn TP. Hồ Chí Minh đề xuất, trong xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, Tiền Giang cần rà soát lại hệ thống cảnh báo, thông tin liên lạc; quy hoạch trồng cây xanh ở đô thị phù hợp, chống chịu được sức gió mạnh; phát triển hệ thống định vị tàu cá để tiện liên lạc khi bão xảy ra; có phương án bảo vệ các kho hóa chất, các khu du lịch, các khu công nghiệp, khuyến cáo doanh nghiệp tự bảo vệ bằng việc mua bảo hiểm rủi ro thiên tai.
Sau siêu bão Haiyan và trước xu thế bão tăng dần về số lượng lẫn cấp độ gió, Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp xây dựng phương án chủ động ứng phó đối với bão mạnh. Trong khi chờ Trung ương hoàn thành phương án trên, Tiền Giang đang nỗ lực xây dựng và phấn đấu hoàn thành phương án ứng phó tạm thời các cơn bão mạnh trong tháng 9 tới. Đây được xem là giải pháp kịp thời, chủ động khi mùa cao điểm về mưa bão đang đến gần, sẽ giúp giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản khi bão xảy ra.
N.VĂN
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó BCH Phòng, chống lụt bão & Giảm nhẹ thiên tai huyện Tân Phú Đông cho biết, qua thống kê, huyện có 7.500 điểm có thể tránh trú bão nhưng mức độ an toàn đến mức nào thì vẫn còn chưa biết. Nếu theo tính toán của các chuyên gia, khi bão mạnh xảy ra kết hợp nước biển dâng, toàn huyện sẽ bị ngập (do hệ thống đê không bảo đảm, có nơi không có đê hoặc đê rất thấp). Khi đó, toàn bộ dân của huyện cần sơ tán với ước tính số lượng sơ tán khoảng 30.000 dân (số còn lại đi làm ăn xa). Trong khi đó, trên địa bàn huyện chỉ có 4 phà chủ lực. Với mỗi bến có 2 phà, 1 giờ có thể chở khoảng 500 người, Tân Phú Đông phải mất đến 30 giờ mới có thể sơ tán hết dân. Từ đó, vấn đề đặt ra là việc sơ tán dân phải tiến hành sớm. Như vậy, quyết định sơ tán sẽ khó chính xác. Nếu quyết định sơ tán không chính xác thường xuyên xảy ra, lòng tin của người dân vào chính quyền sẽ bị giảm sút. Đó là chưa nói đến huyện chỉ có 1 tuyến đường độc đạo, khi phương tiện tham gia giao thông trên tuyến này tăng vọt, cộng với đường trơn trợt rất dễ gây tai nạn và vấn đề không đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình sơ tán, nhất là ở các bến phà cũng được đặt ra. |