Thứ Tư, 10/09/2014, 14:55 (GMT+7)
.

Cô Đỗ Thị Kim Chi: Chi hội trưởng tâm huyết với phong trào phụ nữ

Năm 1986, hội viên Hội LHPN ấp Kim Liên, xã Long Hòa, TX. Gò Công tín nhiệm đề cử cô Đỗ Thị Kim Chi làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của ấp. Cô Kim Chi tâm sự: “Lúc đó được chọn làm Chi hội trưởng, cô vừa mừng lại vừa lo.

Mừng vì chị em hội viên đã tin tưởng mà đặt trọn niềm tin vào mình và lo lắng không biết có làm tốt công tác Hội, làm tròn trách nhiệm của cán bộ Hội”. Bằng trách nhiệm và sự nhiệt tâm, cô Kim Chi dần nắm bắt công việc, quan tâm giúp đỡ và được hội viên yêu thương, tin tưởng.

Cô Chi (bên trái) thường xuyên đến tận nhà hội viên thăm hỏi, động viên và tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Cô Chi (bên trái) thường xuyên đến tận nhà hội viên thăm hỏi, động viên và tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2004, một phần của xã Long Hòa được chia tách, sáp nhập vào phường 5, cô Kim Chi tiếp tục làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2, phường 5 cho đến nay. Dẫu tuổi đã ngoài 60, nhưng cô Kim Chi vẫn tất bật với công tác đoàn thể của khu phố.

Ngoài công tác Hội Phụ nữ, cô Kim Chi còn làm Tổ trưởng tổ ANTQ, cộng tác viên dân số, thư ký Hội Người cao tuổi. Công việc nào cô cũng hoàn thành tốt. Cô Kim Chi nhận Bằng khen của UBND tỉnh về thành tích: Tổ trưởng tổ vay vốn giai đoạn 2003 - 2007; củng cố hoạt động Tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự 15 năm (1990 - 2005) và nhiều Bằng khen, Giấy của khen Hội LHPN các cấp trao tặng.

Gần 30 năm gắn bó với công tác Hội LHPN, để hội viên tin tưởng, cô thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Trong sinh hoạt chi hội, cô luôn tạo điều kiện để hội viên chia sẻ buồn - vui với nhau, cùng nhau xây dựng tốt cuộc sống gia đình; đồng thời nhắc nhở hội viên và gia đình hội viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Vì lẽ đó chị em xin vào hội đông, đã đạt 100% chị em trong khu phố xin vào Hội LHPN. Cô cũng đã nhiều lần làm tốt vai trò hòa giải viên nhờ chịu khó lắng nghe bà con nói hết những bức xúc của mình, sau đó tìm cách hòa giải, hàn gắn tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”…

Đặc biệt, cô thường xuyên đến tận nhà hội viên thăm hỏi, chị em nào cần vốn thì cô tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc nguồn vốn tiết kiệm của chi hội, giúp chị em phát triển kinh tế gia đình.

Đến nay, số tiền tiết kiệm trong chi hội đã lên đến gần 20 triệu đồng, xoay vòng cho chị em khó khăn vay không tính lãi. Chị em nào trồng màu thì cô Kim Chi giới thiệu vào tổ vần đổi công, tham dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật. Chị em nào có thời gian rảnh thì cô giới thiệu vào tổ kết hoa vải, kết cườm, đan len… giúp chị em tăng thu nhập.

Không chỉ chu toàn việc xã hội, cô Kim Chi còn là người mẹ luôn được 2 con kính trọng. Chồng mất sớm, cô nuôi 2 con ăn học thành tài. Giờ đây, 2 con của cô một người là kỹ sư làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, một người là thạc sĩ đang dạy học tại Trường THPT Trương Định.

Cô Chi chia sẻ: “Có những lúc gặp khó khăn nhưng chưa bao giờ cô nghĩ thôi làm công tác Hội để lo cho gia đình. Nếu không làm công tác Hội, không gắn bó với chị em phụ nữ cô sẽ buồn lắm”.

Chia tay cô Kim Chi, tôi không thể nào quên nụ cười hiền lành cùng câu nói đầy tâm huyết: “Làm công tác Hội phải có cái tâm, sự nhiệt tình và trách nhiệm”.      

P. MAI

.
.
.