Thứ Sáu, 19/09/2014, 12:03 (GMT+7)
.

Công bố báo cáo môi trường quốc gia năm 2013

Vấn đề ô nhiễm không khí tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm khói mù do đốt rơm rạ ở nông thôn… đang báo động.

Chiều 18-9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 với chủ đề “Môi trường không khí”, nhằm phân tích các vấn đề liên quan đến môi trường không khí của Việt Nam trong giai đoạn 2008-2013.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013
Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013.

Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm bụi tại các thành phố lớn vẫn tiếp tục tồn tại ở mức cao. Các khu vực đô thị là nơi tập trung các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, đông dân cư, là khu vực có môi trường chịu tác động nhiều nhất từ các hoạt động phát triển.

Vấn đề ô nhiễm không khí tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm khói mù do đốt rơm rạ ở nông thôn… cũng đang báo động. Đặc biệt, trong những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới đã xuất hiện một số biểu hiện nhất định.

Đánh giá của Bộ Y tế cho thấy, trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp được đánh giá là cao nhất và một trong những nguyên nhân là do ô nhiêm không khí. Theo thống kê, tỷ lệ người dân mắc các bệnh hô hấp tại các làng nghề, khu vực gần các khu sản xuất công nghiệp, nút giao thông…cao hơn các khu vực khác.

Phát biểu lại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết: Năm 2013, để đánh giá tổng thể về chất lượng môi trường không khí, phân tích mối quan hệ và tác động cả 3 yếu tố kinh tế-xã hội-môi trường phát triển bền vững đất nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia-Môi trường không khí. 

Theo đó, Báo cáo môi trường không khí gồm 6 chương, tập trung phân tích những vấn đề liên quan đến điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội ảnh hưởng đến môi trường không khí; các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí; đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường không khí của giai đoạn từ 2008-2013.

Đồng thời nêu lên những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường không khí đến sức khỏe con người, hệ sinh thái tự nhiên và làm đẩy nhanh biến đổi khí hậu; đánh giá công tác quản lý môi trường không khí, những kết quả đạt được, những khó khăn chưa được giải quyết; những định hướng trọng tâm công tác bảo vệ môi trường không khí trong 5 năm tới.

Đánh giá về nội dung Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 với chủ đề “Môi trường không khí”, các đại biểu tham dự Lễ công bố cho rằng: Báo cáo là tài liệu hữu ích cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường không khí nói riêng. 

Tuy vậy, do còn nhiều bất cập trong công tác quản lý đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể là vẫn thiếu các quy định đặc thù cho môi trường không khí; tính hiệu quả, hiệu lực thi hành các chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết. Đặc biệt là chưa thực hiện được việc kiểm soát khí thải tại nguồn, cùng với ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải còn yếu kém…. 

Để giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí, Báo cáo cũng đưa ra các giải pháp cụ thể, các lựa chọn ưu tiên và thực hiện các lộ trình chặt chẽ. Quốc hội và Chính phủ cần rà soát, sửa đổi, ban hành bổ sung các văn bản chính sách, pháp luật đặc thù về môi trường không khí; xây dựng Pháp lệnh về không khí sạch; Kế hoạch quốc gia quản lý chất lượng không khí.

Xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, vấn đề xã hội hóa và sự tham gia của cộng đồng dân cư, trong các quá trình triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường không khí…

Đối với các Bộ, ngành và địa phương, cần xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai giải quyết hiệu quả vấn dề ô nhiễm bụi tại các đô thị; Đẩy mạnh hoạt động kiểm kê nguồn phát thải khí, quan trắc, kiểm soát môi trường không khí đô thị.

Tăng cường nguồn lực cho công tác giám sát các chủ nguồn thải khí, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường không khí. Tăng cường đẩy mạnh các giải pháp xanh nhằm giảm thiểu lượng khí thải hiệu ứng nhà kính, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

(Theo vov.vn)

.
.
.