Lan tỏa những tấm lòng tôn kính Bác
Từ nhiều năm qua, ở vị trí trang trọng nhất trong gian phòng khách của gia đình ông Nguyễn Thanh Bình, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Long Tiên, huyện Cai Lậy là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với nụ cười đôn hậu. Cách đây 2 năm, ông Bình còn lập bàn thờ Bác như cách thể hiện lòng tôn kính của ông đối với Người.
Ông Bình cho biết: “Tôi từng là bộ đội Cụ Hồ nên hình ảnh Bác Hồ luôn là nguồn cổ vũ, động viên tôi trong những năm tham gia kháng chiến cho đến khi trở về cuộc sống đời thường. Treo và thờ ảnh Bác là cách nhắc nhở bản thân luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, giáo dục con cháu nối tiếp truyền thống của gia đình, tích cực đóng góp cho địa phương…”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, cựu chiến binh ấp Mỹ Lợi A, xã Long Tiên bên bàn thờ Bác Hồ. |
Từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trở về cuộc sống đời thường, bài học “cần, kiệm” của Bác là lời nhắc nhở để ông tích cực chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Từ 3 công ruộng mượn của người em buổi đầu lập nghiệp, ông tích lũy mua được 5 công đất, trồng chuyên canh cây sầu riêng.
Ở tuổi 72, dù kinh tế gia đình đã ổn định, nhưng hàng ngày ông Bình vẫn cần mẫn lao động để làm gương cho con cháu. Sinh hoạt Chi hội Cựu chiến binh ấp Mỹ Lợi A, ông luôn đi đầu trong các cuộc vận động, phong trào do Hội Cựu chiến binh phát động.
Không riêng ông Bình, mà đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân ở huyện Cai Lậy đã thực hiện việc treo và thờ ảnh Bác. Tấm ảnh Bác được treo ở những vị trí trang trọng nhất trong từng gia đình là tình cảm của người dân Cai Lậy dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Bà Đoàn Thị Hạnh ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lễ giỗ Bác lần đầu tiên gia đình bà tổ chức (năm 2009). |
Cũng như mọi năm, những ngày cuối tháng 8, bà Đoàn Thị Hạnh ở ấp 2, xã Thạnh Lộc chuẩn bị lễ giỗ Bác Hồ. Từ mấy hôm trước, căn nhà của bà đã nhộn nhịp bởi các thành viên trong gia đình tề tựu bày trí, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị lễ giỗ Bác theo nghi thức truyền thống. Năm 2009, bà Hạnh tổ chức lễ giỗ Bác với sự hiện diện của lãnh đạo xã, người thân trong gia đình và nhiều hội viên Hội Người cao tuổi.
Qua nhiều năm, lễ giỗ Bác trở thành ngày họp mặt của người dân tôn kính Bác như bà. Bà chia sẻ, điều khâm phục nhất ở Bác là tấm lòng cao cả, hy sinh cả cuộc đời cho dân, cho nước mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào cho bản thân. Niềm hạnh phúc lớn lao của bà là 2 lần được ra viếng lăng Bác và về thăm quê Bác ở làng Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Bà chia sẻ: “Bác không có gia đình riêng, nhưng mỗi người dân Việt Nam đều là con, cháu của Bác. Vì vậy ý định của tôi là tổ chức lễ giỗ Bác với nghi thức truyền thống, không khí thành kính nhưng ấm áp, thân thuộc như con cháu tề tựu tham dự lễ giỗ của người ông, người cha trong một gia đình người Việt Nam”.
Ông Trần Thanh Bình bên bộ sưu tập ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Tôn kính Bác, hơn 20 năm qua, ông Trần Thanh Bình (ở ấp Tân Thiện, xã Tân Phong) đã lập gác thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giữa gác thờ là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 cụ thân sinh; bên trái là bộ sưu tập ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác.
Những bức ảnh Người bàn việc nước trong Chiến khu Việt Bắc, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác trong căn phòng làm việc giản dị ở Phủ Chủ tịch đến những khoảnh khắc bình dị, đời thường như tập thể dục, thăm hỏi bà con nông dân, cho cá ăn, vui Trung thu với các cháu thiếu nhi… như cuốn phim quay chậm cả quãng đời hy sinh vì nước, vì dân của Người.
Trên gác thờ này còn có kệ sách với những quyển sách quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông Trần Thanh Bình sưu tập được. Cảm động trước tấm lòng của ông, nhiều người đã tặng thêm tư liệu, hình ảnh về Bác, góp sức cùng ông xây dựng nhà thờ Bác Hồ khang trang hơn.
Ông Trần Thanh Bình chia sẻ: “Những năm tham gia kháng chiến tôi có 2 ước nguyện, khi kháng chiến thành công được ra Hà Nội gặp Bác Hồ; còn nếu Bác mất, tôi sẽ lập nhà thờ Bác. Nhà thờ Bác Hồ xuất phát từ nguyện vọng ấy! Nhà thờ Bác Hồ không chỉ là tình cảm của cá nhân tôi mà là ân tình của người dân Việt Nam dành cho Bác”.
Với người dân huyện Cai Lậy, việc sưu tầm tư liệu về Bác, lập nhà thờ, tổ chức lễ giỗ Bác Hồ không chỉ là cách thể hiện lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, mà còn là cách để soi rọi, nhắc nhở bản thân sống tốt hơn, xứng đáng hơn với sự hy sinh to lớn của Người. Tưởng nhớ đến Bác cũng chính là để học và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác trong cuộc sống hiện tại và tương lai.
QUẾ NGÂN