Nỗ lực sống tốt để "trả nợ" ân tình
Anh Nguyễn Văn Mum trên phương tiện kéo cá thuê thường ngày. |
Đến xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, nếu hỏi tên Nguyễn Văn Mum thì ít người biết đến, nhưng nếu hỏi “Anh Hai trục vớt” thì sẽ có nhiều người hướng dẫn tận tình đường đến ấp Hội Nhơn, vào đúng nhà anh.
Quá khứ của anh được nhiều người biết rõ, bởi anh không hề che giấu, nhưng nay ít ai nhắc đến, bởi “Anh Hai trục vớt” bây giờ giỏi nghề, trách nhiệm và sống chan hòa với mọi người xung quanh.
Vợ chồng anh lấy nhau khi cả 2 cùng “tay trắng”. Lần lượt 5 đứa con ra đời, cả gia đình 7 nhân khẩu lênh đênh trên 1 chiếc ghe nhỏ.
Có lẽ, những cơ cực trong cuộc sống đã khiến anh làm liều: đi ăn trộm. Trộm xong, anh trốn. Sông rạch chằng chịt, anh cứ lẩn như rái cá và “làm khó” cơ quan chức năng trong công tác truy bắt. Rồi đến lúc anh nghĩ lại, không thể trốn mãi được và anh đã đến cơ quan công an đầu thú để có cơ hội sửa sai.
Sau khi chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương anh cùng vợ con hành nghề tách vỏ nhãn thuê. Được vài tháng, các đoàn thể xã xét cho vay 3 triệu đồng, anh mua 1 chiếc máy dầu, nhưng không còn đủ tiền để mua xuồng. Biết được, anh công an phụ trách ấp Hội Nhơn cho anh thuê xuồng với lời động viên: Ráng lo làm ăn! Chi phí thuê xuồng cũng rất “tượng trưng”. Ngày ngày anh đi cào hến, kéo cá thuê.
Sau nửa năm dành dụm, anh có dư gần 2 triệu đồng. Lúc này, anh muốn mua chiếc xuồng của anh công an ấp cho thuê, vì theo anh “nó hên lắm”. Một lần nữa, anh công an ấp sẵn sàng giúp đỡ, bán luôn chiếc xuồng cho anh với giá “hữu nghị”. 30 phút trò chuyện với chúng tôi, đã có tới 4 lần anh Mum nhắc đến việc này, chân chất và chân tình: “Tôi nhớ cái ơn đó hoài luôn!”.
Anh Mum thạo rất nhiều nghề liên quan đến sông nước, từ việc trục vớt ghe tàu, xà lan đến nhổ cọc xi măng, xóc cừ dừa để giữ đất bãi bồi… Thời gian còn lại anh cùng vợ đặt dớn, chất chà bắt cá đem ra chợ bán, cuộc sống dần ổn định, hiện nâng mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng và anh còn giúp nhiều người lầm lỡ có việc làm, ổn định cuộc sống từ nghề trục vớt ghe tàu, xà lan, hành nghề ở nhiều địa phương: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre…
Bản tính nông dân chân chất, chịu khó, tính giá phải chăng, anh làm việc như chạy đua với thời gian. Có những việc khó khăn, người khác “hét” giá cao hoặc e ngại từ chối thì anh lại nhận. Khi trục vớt những phương tiện chẳng may bị chìm, mặc dù ở dưới nước sâu, nhưng từng con ốc, bulông trong lúc tháo máy khỏi ghe, tàu, xà lan anh đều giữ cẩn thận, đầy đủ để lắp lại khi xong việc… Anh được nhiều doanh nghiệp, chủ phương tiện nhớ đến đầu tiên khi họ cần.
Đặc biệt, khi làm nghề trên sông, anh kịp thời cung cấp cho công an cơ sở nhiều thông tin có giá trị, giúp lực lượng công an bắt, xử lý nhiều vụ dùng điện khai thác thủy sản trái phép trên sông. Bản thân anh cũng đã trực tiếp bắt hàng chục vụ, giao công an xử lý.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Công an xã Hội Xuân cho biết: Khi có vấn đề gì liên quan đến an ninh trật tự xảy ra trong xóm, ấp, anh Mum đều tham gia nhiệt tình. Khi bắt các đối tượng dùng xung điện đánh bắt cá trên sông hay trộm tài sản, có những lúc gặp đối tượng ngoan cố dùng điện chích thẳng vào người, anh đã nhanh tay, nhanh chân đánh trả và bắt giao công an xã xử lý. Đặc biệt, anh đã 7 lần cứu các em nhỏ trượt chân té sông.
Ngoài ra, những vụ chết đuối chưa tìm được thi thể, khi gia đình nạn nhân nhờ anh lặn tìm giúp, anh không hề chần chừ mà sốt sắng nhận lời ngay. Anh không hề tính toán trong công việc, cho dù đó là làm thuê hay làm không công anh vẫn tận tâm như nhau. Anh tâm sự: Mình làm đủ sống là tốt rồi và đó còn là cách để trả “món nợ” ân tình mà đời đã cho mình.
HỒNG VÂN