Thứ Tư, 01/10/2014, 13:56 (GMT+7)
.

Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi

Người cao tuổi Việt Nam rất tự hào về 1 trong những nét đặc trưng của truyền thống, đạo lý, bản sắc văn hóa dân tộc ta là “kính già - yêu trẻ”. Coi tuổi thọ là “thiên tước” (tước - lộc của trời ban cho), là hạnh phúc lớn của con người.

Trong đời sống cộng đồng, người cao tuổi được tôn trọng nhất. Xưa là vậy, nay càng như vậy. “Kính già - yêu trẻ” là quan hệ gắn bó với nhau trong phương châm xử thế, trong đạo làm người, biểu hiện của nếp sống thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, lớp lớp người cao tuổi Việt Nam đã nêu cao tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, sử sách hãy còn ghi và lưu truyền mãi đến ngày nay. Tiêu biểu là các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, các nhà khoa bảng, các nghệ nhân, nghệ sĩ tài ba…

Các vị này rất ham học, ham làm, say mê lao động sáng tạo ở tuổi thanh xuân, đến khi cao tuổi vẫn tích cực đem trí tuệ, tài năng tích lũy được ra cống hiến cho đời. Nét đặc biệt ở các cụ là “Trường thọ đi đôi với phát huy và phát triển tài năng”, tức càng già càng cống hiến được nhiều cho xã hội như ở Tô Hiến Thành, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Hữu Trác, Vũ Hữu, Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Ngay từ thời xa xưa, biên niên sử Việt Nam đã ghi lại được khoảng 10 chính sách cụ thể của Nhà nước ưu đãi người cao tuổi và hàng trăm quy định, quy ước khác nhau về “trọng lão” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Trong nền kinh tế đất nước hiện nay, đã có nhiều văn bản pháp quy liên quan đến người cao tuổi, đề cập đến sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với người già không nơi nương tựa.

Nhớ lại, sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, năm 1941 Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Pác Bó, Cao Bằng. Tháng 6-1941, Bác Hồ đã gửi thư cho các vị phụ lão trong cả nước, Người viết: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”.

Đường lối của Ðảng, tư tưởng của Bác đã khơi dậy tinh thần yêu nước thương nòi, quyết tâm giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới trong các thế hệ người cao tuổi. Phụ lão khắp nơi hăng hái tham gia Hội Phụ lão cứu quốc, Mặt trận Việt Minh nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng, giữ bí mật cơ sở hoạt động của Ðảng, tuyên truyền không đi lính cho Pháp, không làm tay sai cho Nhật, tích cực luyện tập, bí mật chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Lớp lớp người cao tuổi đã sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân đi biểu tình, đấu tranh lật đổ chế độ thực dân, đế quốc và tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau khi nêu lên những dẫn chứng trong lịch sử nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Những hành động, nghĩa cử cứu nước từ trước đến nay đều do các vị phụ lão đương thời gây dựng nên, vun đắp nên. Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi, nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc giết giặc. Rút guốc mộc để ném vào đầu bọn bạo ngược, vung gậy trúc để đánh vào bọn hung ác.

Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”.

Có thể khẳng định, Bác Hồ đã luôn đánh giá cao vai trò của các cụ phụ lão và Người luôn phát huy tiềm năng của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Người thường nói:

Tuổi già nhưng chí không già
Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều người cao tuổi đã tham gia du kích, rào làng kháng chiến, vận động con cháu thực hiện khẩu hiệu “Vườn không nhà trống”, “Cướp súng giặc để giết giặc”, tự mình đốt nhà thực hiện tiêu thổ kháng chiến, góp phần làm thất bại các trận càn của giặc.

Các “Hội mẹ chiến sĩ” vận động bà con tiết kiệm, xây dựng “Hũ gạo nuôi quân”, đón nhận thương binh, bệnh binh về nuôi, hết lòng chăm sóc anh em từ các mặt trận về hậu phương; đồng thời người cao tuổi ở miền Bắc đã tích cực tham gia xây dựng hậu phương lớn, phát triển sản xuất, đánh thắng các cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ - ngụy, chi viện đắc lực cho miền Nam anh hùng, tích cực tham gia xây dựng những “Cánh đồng 5 tấn”, giành danh hiệu “Phụ lão 3 giỏi”.

Nhiều người xung phong vào các đội “Bạch đầu quân”, tham gia phong trào thi đua “Một người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, ra sức sản xuất, động viên con cháu lên đường vào Nam với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, dỡ nhà lấy gỗ làm vật liệu lát đường cho xe chở quân và lương thực ra chiến trường..., góp sức vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Việc chăm sóc, phát huy nguồn lực người cao tuổi trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội, của mỗi người, mỗi gia đình, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đó cũng là nét đẹp văn hóa và hạnh phúc của dân tộc, của mỗi người, khi ông bà, cha mẹ chúng ta được trường thọ, càng xứng đáng với sự tôn vinh và trách nhiệm cao cả mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao tặng Hội Người cao tuổi Việt Nam: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

ThS. NGUYỄN THANH HOÀNG

.
.
.