Thứ Tư, 15/10/2014, 14:06 (GMT+7)
.

Hội Nông dân xã Ngũ Hiệp: Sát cơ sở, gần nông dân

Với phương châm “sát cơ sở, gần nông dân”, lấy chi hội làm điểm tựa, lấy hội viên (HV) nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi làm thước đo và lấy lợi ích chính đáng của nông dân làm động lực… Hội Nông dân xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) đã gắn việc xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện với chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Trong nhiều năm qua, Hội đã tuyên truyền, vận động HV tận dụng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, qua đó góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho HV.

Chú Huỳnh Văn Kiệt chăm sóc vườn sầu riêng.
Chú Huỳnh Văn Kiệt chăm sóc vườn sầu riêng.

CÙNG NÔNG DÂN VƯỢT KHÓ

“Nếu không có sự giúp đỡ của Hội Nông dân, gia đình tôi sẽ không có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay”, đó là tâm sự của anh Lê Văn Mẫn, ấp Hòa Hảo. Năm 2003, anh Mẫn đưa gia đình từ huyện Cái Bè đến cù lao Ngũ Hiệp mua 1 công đất lập nghiệp. Được Hội Nông dân xã hỗ trợ vay 5 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, anh mua 1 con heo nái để nuôi, chăm chỉ trồng 1 công sầu riêng khổ qua xanh. Nhờ con heo nái mà anh dần trả hết vốn vay cho Hội và tiếp tục vay lại để đầu tư trồng sầu riêng.

Sau mấy mùa sầu riêng trúng mùa, anh Mẫn tích cóp được vốn và mua thêm 2,5 công đất. Do sầu riêng khổ qua xanh không còn bán được giá như trước đây, anh đã mạnh dạn chuyển sang trồng giống sầu riêng hạt lép (giống Ri6 và Monthon) cho năng suất cao, lại bán được giá.

Bên cạnh đó, anh vẫn tiếp tục chăn nuôi heo, chỉ với 2 con heo nái, mỗi đợt bán heo con anh lãi trên 10 triệu đồng. Anh Mẫn chia sẻ: “Cũng nhờ Hội Nông dân hỗ trợ vay vốn mà gia đình có vốn xoay trở, cải tạo vườn, mua thức ăn cho heo. 3 năm trở lại đây, tôi đã trồng xen 200 gốc ca cao tím trong vườn sầu riêng, bước đầu cho hiệu quả khá cao. Có thể nói, cuộc sống gia đình tôi đã dần ổn định, có điều kiện lo cho các con ăn học đầy đủ”.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã đến thăm gia đình chú Huỳnh Văn Kiệt, ấp Hòa Thinh. Được biết, trước đây gia đình chú gặp không ít khó khăn trong việc phát triển kinh tế gia đình. Chú Kiệt cho biết: “Trước đây chú trồng sầu riêng khổ qua xanh, mùa nào có giá còn đỡ, có năm sầu riêng mất mùa, mất giá, lại lo cho các con ăn học, gia đình lâm vào hoàn cảnh thiếu trước hụt sau”.

Nhờ siêng năng cần cù, chăm chỉ làm ăn, cộng với sự hỗ trợ vốn vay của Hội Nông dân xã, chú Kiệt đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng Monthon và Ri6. Hiện tại, 4 công vườn sầu riêng của chú đang phát triển tốt. Chú vui mừng dẫn chúng tôi đi xem vườn và khoe: Chú đang phủ bạt gốc, cắt nước để xử lý cho sầu riêng ra bông, hứa hẹn sẽ có một vụ mùa bội thu. Xen trong vườn sầu riêng là những dãy bạc hà xanh rì. Được biết, mỗi tháng chú thu nhập từ bạc hà trên 2 triệu đồng.

CHỖ DỰA CỦA NÔNG DÂN

Ông Phan Văn Chót, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã phấn khởi cho biết: “Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền xã, Hội Nông dân xã đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Phần lớn nông dân trong xã đều gắn bó với cây sầu riêng, vượt khó cũng như làm giàu từ cây sầu riêng. Từ đó, Hội cùng các ngành chức năng thường xuyên tổ chức chuyển giao kỹ thuật trồng sầu riêng cho nhiều nông dân trong xã”.

Anh Lê Văn Mẫn chăm sóc 2 con heo nái.
Anh Lê Văn Mẫn chăm sóc 2 con heo nái.

Đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân, trong năm 2014 đã cho 44 hội viên vay trên 127 triệu đồng. Bên cạnh, 815 hộ nông dân trong xã còn được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số vốn vay 6 tỷ đồng. Từ đó, phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi của xã càng phát triển và thu hút đông đảo nông dân tham gia.

Toàn xã có 1.738 HV nông dân thì có 1.043 HV đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Thông qua phong trào này, nhiều hộ nông dân nghèo đã được các hộ khá, hộ giàu giúp đỡ về giống, vốn, kỹ thuật để vươn lên thoát nghèo. Qua đây, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 5,8%.

Cùng với sự phát triển sản xuất, Hội còn thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, phát động phong trào thi đua từ các chi hội, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác, tổ tiết kiệm; từ đó đã thu hút đông đảo nông dân vào tổ chức Hội.

Ông Trần Hữu Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã khẳng định: “Hội Nông dân luôn sát cơ sở, gần nông dân, kịp thời nắm bắt nhu cầu nông dân, ai cần vốn thì hỗ trợ vốn, ai cần kỹ thuật thì chuyển giao kỹ thuật. Hội còn là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nông dân, là chỗ dựa tin cậy của nông dân. Từ đó, các HV tin tưởng vào tổ chức Hội, tích cực sinh hoạt và tham gia các phong trào do Hội phát động như: Góp công, góp của, hiến đất làm đường, tham gia xây dựng nông thôn mới”.

Từ những kết quả đã đạt được, Hội Nông dân xã Ngũ Hiệp tiếp tục khẳng định vai trò là chỗ dựa tin cậy của nông dân trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và động viên hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

P. MAI

.
.
.